Bàn cách gỡ thẻ vàng cho hải sản
Uỷ ban châu Âu (EC) chưa gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam vì hiện trạng chống khai thác bất hợp pháp của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện triệt để theo tiêu chuẩn đề ra. Trong 5 tháng tới, nếu không đẩy mạnh thực hiện, EC giơ thẻ đỏ, chắc chắn hải sản Việt Nam sẽ không có cửa vào châu Âu, ảnh hưởng trực tiếp tới đầu ra sản phẩm, việc làm của ngư dân, tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước.
Tại Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố về một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) ngày 3/8, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Công điện số 732/CĐ-TTg, Chỉ thị số 45/ CT-TTg, Quyết định số 78/ QĐ-TTg…), đặc biệt là sau thời điểm EC cảnh báo thẻ vàng vẫn xảy ra tình trạng tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Hàng trăm ngư dân bị bắt giữ
Tính từ ngày 23/10/2017 đến nay đã xảy ra 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; Trong đó Kiên Giang: 15 vụ/26 tàu/133 ngư dân; Cà Mau: 12 vụ/15 tàu/87 ngư dân; Bình Định: 5 vụ/8 tàu/70 ngư dân; Bình Thuận: 5 vụ/7 tàu/51 ngư dân…
Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá còn bất cập, chưa tương xứng với phát triển cường lực khai thác. Theo Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn quốc quy hoạch 125 cảng cá (35 cảng cá loại I và 90 cảng cá loại II) và 146 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (30 khu cấp vùng, 116 khu cấp tỉnh). Tuy nhiên, đầu tư giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 30% so với quy hoạch.
Đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu (hiện nay khoảng 28.600 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017).
"Bài học kinh nghiệm của 10 nước đã được EC gỡ thẻ vàng và 3 nước đã được EC gỡ thẻ đỏ cho thấy các nước này đã đầu tư nguồn lực rất lớn và thậm chí thực hiện cải tổ bộ máy quản lý về thủy sản (Philippines đã đầu tư khoảng 10 triệu USD từ năm 2014 2015 và cải tổ bộ máy để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC); Hiện nay còn 9 nước chưa gỡ được thẻ vàng và 3 nước chưa gỡ được thẻ đỏ, điển hình Thái Lan đã đầu tư khoảng 13 triệu Euro từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa gỡ được thẻ vàng", Bộ NN&PTNT cho biết.
Nhận thiếu sót về việc để tàu cá đánh bắt trái phép, đại diện tỉnh Kiên Giang phân trần, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do quá trình xử lý còn khó khăn, tàu cá bị bắt giữ ở nước ngoài nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý chủ tàu vì lái tàu, ngư dân mới là người vi phạm song lại đang bị giam giữ ở nước ngoài.
Đại diện lãnh đạo Bình Định bổ sung thêm, xe ô tô bắt buộc phải có giám sát hành trình đăng ký bến bãi, nếu xe vượt ra khỏi phạm vi giám sát có thể xử lý ngay. Trong khi đó, tàu thuyền đánh bắt cá hoạt động phạm vi rộng lại không có giám sát hành trình nên cơ quan chức năng không thể phát hiện và xử lý.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Quốc phòng chia sẻ biển mênh mông, khi bộ đội biên phòng phát hiện, tàu vi phạm đã chạy ra xa hoặc chạy ra vùng biển nước sâu hòa vào đoàn tàu đánh cá.
Quy trách nhiệm
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho rằng muốn EC gỡ thẻ vàng, ngành thủy sản cần tập trung vào ba vấn đề: Tàu, bến cảng và ngư dân.
Đối với tàu, dù là tàu lớn hay nhỏ đều hoạt động ở vùng biển rất rộng. Để quản lý cần nghiên cứu kỹ và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm quản lý thiết bị giám sát hành trình. Để làm được điều này cần có quy chuẩn của Chính phủ, thị trường đa dạng nên tạo cơ chế để địa phương có sự lựa chọn thiết bị và chịu trách nhiệm quản lý.
Về bến cảng, ông Chữ cho biết Quảng Ngãi rất khó giám sát tàu ra vào bến, dù đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để biết họ đi đâu và ở đâu về. Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cảng, ghe tàu nhưng phải có cơ quan quản lý nhà nước thực hiện giám sát tại cảng. Trong đó, ngành nông nghiệp, lực lượng biên phòng quản lý cần thống nhất rõ ràng chức năng, nhiệm vụ.
Cuối cùng, về ngư dân, hiện nay phần lớn trình độ văn hóa còn thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế. Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục cần có chế tài xử lý. Chỉ có như vậy, chủ trương chính sách pháp luật đưa ra mới đạt được hiệu quả.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng vấn đề không chỉ dỡ bỏ thẻ vàng mà ngành thủy sản phải hướng tới xây dựng ngành kinh tế biển bền vững, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, IUU có 3 cấu phần: Chữ I (chống đánh bắt bất hợp pháp, đánh bắt không đúng chỗ, đúng mùa) chữ U thứ nhất (không báo cáo, không ghi lại nhật ký hành chính), chữ U thứ hai (đánh bắt hải sản không được quản lý, không có chế tài xử lý).
"Chúng tôi kêu gọi các tỉnh tham gia sâu và thực thi chữ U thứ nhất, tham gia tích cực chữ U thứ hai (tập trung vào chế tài xử lý), bên cạnh nỗ lực thực hiện chữ I", ông Khánh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, thời gian tới, các địa phương phải phối hợp với cơ quan chức năng xử lý ngay khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Có biện pháp xử lý quyết liệt như: rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nếu EC nâng cấp lên thẻ đỏ, hải sản Việt Nam sẽ không thể vào thị trường châu Âu, ảnh hưởng trực tiếp tới đầu ra của sản phẩm, đời sống việc làm của ngư dân, tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, để EC dỡ bỏ thẻ vàng là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết mà Chính phủ, bộ ngành địa phương phải vào cuộc đồng bộ cùng với hưởng ứng của người dân và ngư dân.
"Thời gian qua, hiện trạng chống khai thác bất hợp pháp của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện triệt để, chưa đáp ứng tiêu chuẩn mà phía EC đề ra. Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản nhất là triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ đặt ra chưa đạt yêu cầu. Đây là trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương", Phó Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm.