Bàn giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam
Ngày 26/11/2020, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành Hàng không Việt Nam”. Hội thảo nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động và sự phát triển của ngành Hàng không; từ đó đưa ra những giải pháp nhằm phục hồi hoạt động và phát triển bền vững Ngành này trong giai đoạn tới.
Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp ngành hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Tổng Công ty Quản lý bay.
Mở đầu hội thảo, ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, trong những năm qua, ngành Hàng không Việt Nam đã duy trì sự phát triển ổn định, tăng trưởng với tốc độ cao.
Theo số liệu thống kê, từ năm 1995 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Hàng không Việt Nam luôn ở mức cao. Trong đó, luân chuyển hành khách tăng bình quân 13%/năm và luân chuyển hàng hóa tăng bình quân 12%/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
Thống kê cho thấy, đến hết tháng 10/2020, số chuyến bay thương mại của Việt Nam chỉ bằng 66% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính riêng từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020, số các chuyến bay thương mại ở Việt Nam chỉ bằng 52% so với cùng kỳ năm 2019. Ở những tháng dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ này chỉ bằng 13% vào tháng 4/2020 hoặc 28% vào tháng 9/2020.
Nêu bật tầm quan trọng của ngành Hàng không trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, tại hội thảo, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tỷ trọng luân chuyển hàng hóa qua đường hàng không đã chiếm tới 31,44% tổng luân chuyển hành khách của 5 phương thức vận tải tại Việt Nam. Năng lực điều hành bay cũng không ngừng được nâng cao, năm 2019, Tổng công ty Quản lý bay đã điều hành hơn 900.000 chuyến bay… Những chỉ số trên cho thấy, nỗ lực không ngừng của cán bộ, nhân viên ngành Hàng không Việt Nam.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động vận tải hàng không trong nhiều chịu tác động bởi chính sách “giãn cách xã hội”, “khoanh vùng dập dịch” nên dừng vận chuyển hành khách. Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp hàng không, các tổ chức kinh tế - xã hội trong ngành Hàng không Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt qua những khó khăn, tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu với Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành Hàng không sớm phục hồi. Tuy nhiên, dự báo, sắp tới ngành Hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần phối hợp để cùng bàn thảo đưa ra những giải pháp thích hợp.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp hàng không về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động vận chuyển hành khách, ông Nguyễn Tiến Hoàng - Phó Trưởng Ban Kế hoạch phát triển, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines.
Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Hoàng thông tin, tác động của Covid-19 đến Vietnam Airlines là vô cùng lớn, theo đó 9 tháng năm 2020, doanh thu của Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2019; thâm hụt dòng tiền khoảng hơn 7.358 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2020, doanh thu của Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với năm 2019, số lỗ hợp nhất vào khoảng từ 14.000 -15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt khoảng 15.000 tỷ đồng.
Nhằm hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp hàng không nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững, ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, Vietnam Airlines đã đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các bộ ngành như: Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành Hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá...
Còn theo bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air, trước đại dịch Covid-19, hàng năm, tăng trưởng của Vietjet Air đã đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Tích lũy Vietjet Air đã phục vụ 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí tích lũy xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm dòng tiền của hãng giảm sụt. Do đó, để tăng cường nguồn lực tài chính cho hàng không, Vietjet đã chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tích luỹ trong nhiều năm.
Cùng với đó, hãng hàng không này đã triển khai các giải pháp như: Mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ phụ trợ, tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài… Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện nay, ước tính Vietjet Air thiếu hụt 7.000 - 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Trước khó khăn trên, bà Hồ Ngọc Yến Phương đề xuất các cơ quan chức năng giảm và kéo dài thời gian ưu đãi thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm phí, lệ phí và các chi phí dịch vụ cảng hàng không…
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng cũng như chuyên gia và đại diện DN đều cùng quan điểm cần đưa ra những giải pháp mang tính dài hơn để giúp ngành hàng không Việt Nam vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thống kê cho thấy, đến hết tháng 10/2020, số chuyến bay thương mại của Việt Nam chỉ bằng 66% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính riêng từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020, số các chuyến bay thương mại ở Việt Nam chỉ bằng 52% so với cùng kỳ năm 2019. Ở những tháng dịch bệnh bùng phát tỷ lệ này chỉ bằng 13% vào tháng 4/2020 hoặc 28% vào tháng 9/2020.