Quốc hội:
Ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 22/2021/QH15 về điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019. Nghị quyết đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 28/7/2021.
Tại Nghị quyết số 22/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 của Bộ Tài chính số tiền 2.240.210 triệu đồng.
Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019 với tổng số thu cân đối NSNN là 2.139.639.446 triệu đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2018 chuyển sang năm 2019, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2018, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN.
Tổng số chi cân đối NSNN là 2.119.541.763 triệu đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2019 sang năm 2020. Bội chi NSNN là 161.490.730 triệu đồng, bằng 2,67% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm khoản vay trong nước 123.312.361 triệu đồng; vay ngoài nước 38.178.369 triệu đồng. Tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 345.310.506 triệu đồng.
Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán NSNN năm 2019 theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi, sử dụng NSNN kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 08/BC-UBTCNS15 ngày 21/7/ 2021 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; kết luận, kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 181/BC-KTNN ngày 08/7/2021 của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về quyết toán NSNN năm 2019.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng NSNN; cải cách chính sách thu, chi để cơ cấu lại thu, chi ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN.
Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành chấn chỉnh tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế; chỉnh đốn công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán đến thực hiện và quyết toán; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, xử lý nghiêm các trường hợp để nợ đọng xây dựng cơ bản, chuyển nguồn, tạm ứng ngân sách sai quy định, đồng thời có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các khoản chi thường xuyên theo quy định để giảm mạnh chi chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương...
Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng NSNN. Báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ vi phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan trong quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2019 khi trình Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020.
Chính phủ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước tập trung đôn đốc, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan và đề ra giải pháp xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị chưa thực hiện từ năm 2018 về trước; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nội dung này khi trình Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiến hành nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách của Nhà nước.