Quốc hội trao quyền "đặc biệt" cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác chống dịch
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch như: thực hiện các biện pháp có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan; ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch...
Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV khẳng định, cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch COVID-19; đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước...
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, tác động tiêu cực đến đời sống của Nhân dân, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Đồng thời, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch như: áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan...
Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch…
Đặc biệt, trong các trường hợp chống dịch cấp bách Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết. Đồng thời, tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch COVID-19.
Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất...
Đối với việc mua sắm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định số lượng sẽ cao hơn so với nhu cầu thực tế nhằm dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh. Tuy nhiên, phải có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
Ngoài ra, Quốc hội cho phép chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch COVID-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021... Tất cả các nội dung thông qua trong Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất sẽ được triển khai ngay cho đến cuối năm 2022. Trong thời gian thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải báo cáo nội dung thực hiện trong các kỳ họp gần nhất.
Như vậy, với tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp và có khả năng còn kéo dài, việc Quốc hội giao quyền quyết định tổ chức, thực hiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc đưa ra các biện pháp chống dịch cấp bách.
Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm không cần phải báo cáo tình hình, trình Quốc hội xem xét, thảo luận, phê duyệt; đặc biệt, trong thời gian Quốc hội không họp, nếu cần ban hành các quy định ngoài luật thì Chính phủ chỉ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục.
Quyết sách này giúp Chính phủ tiết kiệm thời gian cho công tác phòng, chống dịch, để kịp thời triển khai các biện pháp phù hợp với thực tế; trao quyền cao nhất cho người đứng đầu Chính phủ thể hiện quyết tâm trong công cuộc chống dịch.
Như vậy, việc Quốc hội trao quyền "đặc biệt" cho Thủ tướng Chính phủ thể hiện niềm tin của Quốc hội vào một Chính phủ quyết liệt sẽ đưa công cuộc chống COVID-19 của đất nước ta thành công, đạt kết quả như mong đợi.