Băn khoăn tính khả thi của đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân

Trần Huyền

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tại Dự thảo, cơ quan này đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 3 tháng thay vì 6 tháng theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, có nhiều băn khoăn về tính khả thi của đề xuất này.

Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh: internet
Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh: internet

Theo Dự thảo, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân.

Trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, được Bộ Công Thương chấp thuận thì sẽ tăng giá. Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Đặc biệt, tại Dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện nay.

Theo quy định hiện hành tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, chu kỳ điều chỉnh giá dài có thể dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong 1 lần điều chỉnh, dẫn đến ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô cũng như sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Do đó, đề xuất rút ngắn thời gian sẽ giúp điều chỉnh giá một cách linh hoạt, sát với thị trường. Từ đó, hướng tới một thị trường điện thực thụ, giá điện tăng, giảm theo cung cầu của thị trường.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg từ năm 2017 đến nay cho thấy, giá điện bình quân mới trải qua 4 lần điều chỉnh. Như vậy, quy định điều chỉnh giá điện 6 tháng một lần hiện vẫn chưa thực hiện được.

Vì lý do trên, nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 3 tháng như tại Dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Các chuyên gia cho rằng, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo phản ánh đầy đủ các yếu tố chi phí.

Theo đó, cần có cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân đảm bảo minh bạch các thông tin đầu vào, kết quả đầu ra. Từ đó, hướng đến việc điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh sát thực với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường. Xa hơn là cần để giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, có tăng, có giảm.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc quy định 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần không cần thiết nếu điện được điều tiết theo cơ chế thị trường. Chuyên gia này cho rằng, Bộ Công Thương nên cân nhắc đề xuất này mà thay vào đó, cần sửa đổi cơ chế chính sách để tiến đến một thị trường mua bán điện công khai, minh bạch hơn, để người dân, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong mua bán điện.