Bán lẻ truyền thống trước sức ép cạnh tranh
Trước sức ép dữ dội của lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động bán lẻ truyền thống buộc phải tự làm mới mình để tồn tại.
Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… đã khiến việc mua sắm online không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt, thị trường mua sắm trực tuyến càng "nở rộ" khi người tiêu dùng trẻ tham gia mua - bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... Các kênh bán hàng này đang là đối thủ của các siêu thị, cửa hàng tiện ích và hệ thống chợ truyền thống.
Một kết quả nghiên cứu của CBRE Việt Nam ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mới đây cho thấy, 25% số người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế, trong khi 45 - 50% cho rằng, sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính hay điện thoại thường xuyên hơn trong tương lai.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết: Nếu như kết quả khảo sát của Hàng Việt Nam chất lượng cao 2017 về nơi chọn mua sản phẩm, mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%, thì chỉ sau 1 năm, kết quả khảo sát cho thấy, số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp 3 lần (2,7%).
Kết quả khảo sát của Hàng Việt Nam chất lượng cao 2018 cũng cho thấy, 23% người tiêu dùng lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, tăng 5% so với kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017 (18%), trong đó website công ty có tỷ lệ tham khảo tăng gấp đôi (từ 3,3% lên 6,7%). "Ngoài người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng chọn phương thức mua bán online để tiếp cận thông tin về nhu cầu của thị trường" - bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.
Sự bùng nổ của mua sắm online đang làm giảm sức mua của các kênh phân phối hiện đại, cửa hàng tiện lợi và cả chợ truyền thống. Ông Lê Hữu Tình - Giám đốc Marketing Emart Việt Nam - đánh giá: Tại Mỹ hàng loạt tên tuổi lớn như Walmart, Target, Michael Kors, Best Buy... đều đóng bớt cửa hàng và tăng cường mảng kinh doanh trực tuyến. Ở Việt Nam, tình trạng đóng cửa vì sự cạnh tranh gay gắt của thương mại điện tử chưa có báo cáo nào thể hiện, nhưng sự cạnh tranh của loại hình này rất rõ tại các ngành hàng bán lẻ.
Cụ thể, các "ông lớn" trong ngành bán lẻ như Mega Market, Big C, Aeon Mall, Family Mart, 7-Eleven, Lotte Mart, Emart, SG25, Satrra, Saigon Co.op… hiện đã phát triển mạnh kênh mua sắm online và hệ thống này đang được đầu tư bài bản.
"Doanh thu hiện tại chưa phải là đích đến của các nhà bán lẻ khi phát triển thương mại điện tử nhưng đây là sự chuẩn bị cần thiết cho 5 -10 năm tới. Và chúng tôi đang cân nhắc sẽ có sự đầu tư mạnh mẽ hơn để phát triển loại hình này trong thời gian tới" - ông Tình nói.
Ông Đoàn Diệp Bình - Trưởng phòng truyền thông Lotte Mart - cho hay, từ tháng 11/2017, Lotte Mart đã ra mắt ứng dụng mua sắm trực tuyến "Speed Lotte" nhằm giúp khách hàng dễ dàng mua sắm các loại thực phẩm, cơm hộp ăn trưa, đồ dùng sinh hoạt bằng điện thoại di động. Sắp tới Lotte Mart sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vào mô hình này để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho các ngành hàng. Tương tự, nhà bán lẻ Saigon Co.op cũng đang lên kế hoạch phát triển theo mô hình này.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 35% và chỉ số này sẽ còn gia tăng mạnh trong thời gian tới.