Bán lẻ Việt vẫn thiếu chuyên nghiệp
Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Riêng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỉ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thông tin này được bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết tại diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam tổ chức ngày 20/3 tại Hà Nội.
Tuy nhiên, các ý kiến ở diễn đàn cũng nhất trí thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập như thiếu chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế... Đặc biệt, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa; giá cả thiếu cạnh tranh; nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng; mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu; mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng...
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Nga chỉ rõ các doanh nghiệp (DN), hàng hóa Việt Nam còn gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi phân phối của các siêu thị trong và ngoài nước. "Ngoài việc phải trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt phí như phí trưng bày, mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số, chiết khấu", bà Nga nêu thực tế.
Dưới góc nhìn của một DN có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), nhìn nhận Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng không phải vì thế mà các DN chủ quan, chậm thay đổi. Ông cho rằng để có được thị phần, DN bán lẻ Việt cần chủ động hội nhập, nắm bắt cơ hội và đầu tư hạ tầng công nghệ để đủ sức cạnh tranh.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc - Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, nhấn mạnh nhu cầu của người tiêu dùng về sự tiện lợi có thể xem là kim chỉ nam cho sự đổi mới của các DN và các kênh bán lẻ hiện nay. DN bán lẻ cần chú ý đến trải nghiệm của người tiêu dùng, họ luôn muốn dễ dàng lựa chọn, dễ dàng thanh toán trong không gian tự do, nhanh chóng, không bị làm phiền.
"Hiến kế" cho các DN Việt phát triển thị trường bán lẻ, bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc điều hành dự án Intage Việt Nam, cho rằng DN cần ứng dụng công nghệ để khai thác thông tin khách hàng, nắm bắt thị hiếu và cập nhật nó hằng ngày để thay đổi theo. "Việc khai thác được các dữ liệu lớn (Big data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp các nhà bán lẻ cập nhật được hơi thở thị trường, từ đó có những quyết định đầu tư đúng đắn", bà Vân nhận định.
Lĩnh vực khởi nghiệp nhiều nhất
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá bán lẻ là lĩnh vực có nhiều DN đăng ký kinh doanh và khởi nghiệp nhất ở Việt Nam. Theo ông Thành, Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực bán lẻ. Vị chuyên gia nhấn mạnh dư địa của lĩnh vực này còn rất lớn, trong khi thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi đòi hỏi DN phải thích ứng để phát triển.