Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nội thiếu đủ thứ
Thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ nội địa lại thiếu đủ thứ và nếu không có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế ngay trên thị trường sân nhà. Ý kiến này được đưa ra tại Diễn đàn “Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam” diễn ra ngày 20/3.
Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga cho biết, thị trường bán lẻ nước ta phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Giai đoạn 2015 - 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước 10,5 - 10,8%. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm năm 2017. Đây là mức tăng trưởng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Đánh giá về tiềm năng, bà Nga cho hay, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong những năm tới do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50). Dự báo vào năm 2020, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...
Tiềm năng này đã thu hút các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Giám đốc điều hành dự án Intage Việt Nam Lưu Bảo Vân đánh giá, doanh nghiệp ngoại hiện có nhiều phân khúc nhất tại thị trường bán lẻ Việt Nam là Tập đoàn Central Group từ Thái Lan với việc mua lại hệ thống siêu thị BigC, siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ngoài ra, Central Group còn mở trung tâm mua sắm Robins, cửa hàng chuyên đồ thể thao Supersports tại Việt Nam.
Một tên tuổi khác dù đến sau nhưng cũng nhanh chóng ghi dấu ấn với việc đầu tư 3 trung tâm mua sắm phức hợp Aeon Mall và phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi thông qua việc mua lại thương hiệu Citimart. Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Bởi vì phần lớn các doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa. Theo bà Vân, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn trong nước như Saigon Co.op, Vingroup… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam
Bán hàng đa kênh
Đánh giá về doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực bán lẻ, nhiều chuyên gia cho rằng hiện còn thiếu đủ thứ, như: Chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, tính chuyên nghiệp, các dịch vụ hậu mãi…
Đặc biệt, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng.
Từ thực tế đó, Giám đốc điều hành dự án Intage Việt Nam Lưu Bảo Vân cho rằng, doanh nghiệp nội phải nghiên cứu ứng dụng công nghệ hướng tới tối ưu hoá đầu tư và vận hành cho các nhà bán lẻ; khai thác được các dữ liệu lớn (Big data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI)…
Đồng tình với quan điểm này, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Trần Trọng Tuyến cho hay, xu hướng bán hàng đa kênh nổi bật một cách rõ nét nhất trong năm 2018. Các cửa hàng bán lẻ từ xưa tới nay đã “quen” kinh doanh truyền thống đang phải đứng trước sự chọn lựa hoặc phát triển thêm kênh trực tuyến, hoặc nhìn những đối thủ nhỏ hơn, mới hơn vượt qua. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam cũng đang duy trì ở mức 25 - 30%/năm.
Trong khoảng 3 - 5 năm tới, cục diện kinh doanh thương mại điện tử sẽ thay đổi khá mạnh mẽ về mọi mặt từ tiếp thị, thanh toán trực tuyến, vận chuyển, các kênh bán hàng online sẽ được chú trọng hơn, đồng thời tăng cường áp dụng các ứng dụng công nghệ tân tiến như chatbot, dữ liệu lớn, thực tế ảo... để phục vụ kinh doanh hiệu quả. Nếu được ứng dụng khai thác đúng cách sẽ giúp các nhà bán lẻ cập nhật được thị trường, đồng thời tối ưu hóa đầu tư dựa vào các quyết định đúng đắn từ cơ sở số.
Theo các chuyên gia, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa trong nước và ngoài nước, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại.
Xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Nguyễn Vĩnh Phú cho hay, hiện vẫn còn thực trạng độc quyền trong bán lẻ. Điều này thể hiện ở chỗ chi phí đưa hàng hóa vào siêu thị quá cao. Một số siêu thị đã “chèn ép” nhà cung ứng đưa ra những mức chiết khấu từ 20 - 25%. “Phát triển cơ chế thị trường phải có sự quản lý của Nhà nước nếu không hàng Việt sẽ không cạnh tranh được, mọi chi phí người tiêu dùng phải gánh hết” ông Phú kiến nghị.