Bàn về cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư

ThS. Nguyễn Thị La, Học viện Hành chính quốc gia

(Tài chính) Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư là một trong những trọng tâm mà Chính phủ đang quyết liệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư là một trong các biện pháp thực hiện nhiệm vụ đó.

 Bàn về cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư
Cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư là một trong các biện pháp tạo môi trường thông thoáng, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư. Nguồn: internet

Về mô hình một cửa liên thông

Cơ chế một cửa liên thông là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả, được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính nhà nước.

Liên thông là nói đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, từ trên xuống, từ dưới lên, ngang dọc để phục vụ người dân tốt nhất, với ít lần đi lại; quy trình, thủ tục đơn giản và chi phí phát sinh tối thiểu. Một cửa liên thông là nâng tầm của cơ chế một cửa trong trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bản chất của cơ chế một cửa liên thông là cơ chế giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan tại một đầu mối. Hiện nay, có hai mô hình tổ chức thực hiện cơ chế một cửa liên thông: Một là, mô hình tiếp nhận đại diện, giải quyết liên hoàn, trả kết quả qua đại diện, gồm 4 bước; Hai là, mô hình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả liên hoàn, gồm 2 bước.

Để thực hiện tốt mô hình một cửa, một cửa liên thông, cần thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc: Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật; Công khai các thủ tục hành chính, phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, công dân; Nhận yêu cầu và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước trong việc phối hợp các bộ phận có liên quan của bộ máy công quyền nhằm giải quyết công việc; Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện, đúng thời hạn cho tổ chức, công dân.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được áp dụng tại Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) các sở và cơ quan tương đương (gọi là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh) thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi là UBND cấp tỉnh); UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi là UBND cấp huyện); UBND xã, phường, thị trấn (gọi là UBND cấp xã); các cơ quan được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc đặt tại địa phương của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong lĩnh vực đầu tư, ở cấp tỉnh, cơ chế một cửa liên thông thực hiện các loại công việc: phê duyệt các dự án đầu tư trong nước và ngoài nước, xét duyệt cấp vốn xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, cho thuê đất, giải quyết chính sách xã hội; ở cấp huyện: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, công chứng và chính sách xã hội; ở cấp xã: xây dựng nhà ở, đất đai, hộ tịch, chứng thực.

Một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư: Chìa khóa là quy chế phối hợp

Thực tế cho thấy để giải quyết được những thủ tục cơ bản, người dân hoặc doanh nghiệp phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính khác nhau, ở nhiều cơ quan khác nhau, ví dụ như trong lĩnh vực đầu tư nhà đầu tư ít nhất phải thực hiện lần lượt các thủ tục như đăng ký kinh doanh hoặc cấp phép đầu tư, đăng ký con dấu, đăng ký mã số thuế, giao đất, thuê đất và cấp phép xây dựng.

Tất cả các thủ tục đó là một chuỗi các công việc mà nhà đầu tư phải làm để đạt được mục đích đầu tư của mình. Xét về mặt trình tự thì 5 loại thủ tục đầu tư là một chuỗi các thủ tục có liên quan với nhau mà nhà đầu tư cần phải giải quyết. Có thủ tục nhà đầu tư phải thực hiện xong thì mới làm tiếp được thủ tục khác.

Với mỗi loại thủ tục hành chính đều xác định cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết: Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết các thủ tục về đăng ký kinh doanh, Công an tỉnh về cấp dấu, Cục Thuế về cấp mã số thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường về thủ tục giao đất, thuê đất và Sở Xây dựng về thủ tục cấp giấy phép xây dựng.

Vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan nào sẽ là cơ quan đầu mối, cơ quan nào là cơ quan phối hợp. Có ý kiến cho rằng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nên đặt ở Văn phòng UBND tỉnh. Khi đó, Văn phòng UBND tỉnh sẽ là cơ quan đầu mối, các sở, ngành có liên quan (ví dụ 5 sở, ngành đã nêu) sẽ là cơ quan phối hợp. Như vậy, nhà đầu tư chỉ cần đến một nơi duy nhất là Văn phòng UBND tỉnh và cũng chỉ nhận các kết quả ở đó, khắc phục được tình trạng nhà đầu tư phải đi lại nhiều nơi.

Tuy nhiên, việc tổ chức mô hình như vậy có những điểm không phù hợp, vì: Thứ nhất, mỗi cơ quan cấp tỉnh đều xem xét, giải quyết hồ sơ theo thẩm quyền, quy trình nghiệp vụ của mình. Tổ chức “một cửa, một đầu mối” ở Văn phòng UBND tỉnh sẽ làm cho thủ tục càng vòng vèo, kéo dài hơn. Thứ hai, nhà đầu tư tuy chỉ đến một cửa duy nhất nhưng thực chất phải làm việc với nhiều đầu mối (vì một công chức chỉ phục vụ công việc của sở này hay ngành khác) ở đó…

Nếu chỉ có một bộ phận tiếp nhận và trả kết quả duy nhất ở Văn phòng Ủy ban tỉnh thì sẽ có 2 tình huống xảy ra: Một là, mỗi sở, ngành đều phải cử cán bộ, công chức của mình đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Văn phòng UBND tỉnh (nhìn chung, các sở, ngành không muốn cử cán bộ có năng lực, hơn nữa, tình trạng công chức làm việc ở nơi này, nhưng chịu sự quản lý ở nơi khác sẽ giống như “lính đánh thuê”, tinh thần, nhiệt huyết với công việc không cao). Hai là, phải tăng biên chế cho Văn phòng để đáp ứng yêu cầu công việc, như vậy bộ máy sẽ cồng kềnh và vẫn không đáp ứng yêu cầu vì số cán bộ mới tuyển không thể nắm bắt ngay được nghiệp vụ, thủ tục chuyên môn của các sở, ngành cấp tỉnh.

Vì vậy, theo chúng tôi, ở cấp tỉnh nên giữ nguyên mô hình mỗi sở, ngành là “một cửa” nhưng tăng cường phối hợp để liên thông. Ví dụ, liên quan đến đầu tư với 5 loại thủ tục liên quan đến 5 cơ quan thì cần xác định một cơ quan làm đầu mối, 4 cơ quan còn lại là các cơ quan phối hợp thực hiện. Nhà đầu tư khi cần làm 5 loại thủ tục trên chỉ cần đến cơ quan đầu mối để làm các hồ sơ cần thiết, nộp và nhận giấy biên nhận hẹn trả.

Cơ quan đầu mối có trách nhiệm giải quyết thủ tục trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan mình, đối với các thủ tục còn lại thuộc phạm vi trách nhiệm của các cơ quan phối hợp thì luân chuyển hồ sơ theo đường nội bộ để các cơ quan phối hợp có trách nhiệm giải quyết đúng thời hạn, theo quy chế phối hợp và chuyển kết quả về cơ quan đầu mối để giao cho nhà đầu tư theo phiếu hẹn. Trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, mỗi thủ tục khác nhau về đầu tư lại do một cơ quan khác nhau tổ chức thực hiện, do đó, khi xây dựng và vận hành mô hình một cửa liên thông lại càng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan với nhau.

Như vậy, điều kiện để thực hiện là phải xây dựng và ban hành quy chế phối hợp liên thông giữa cơ quan đầu mối và các cơ quan phối hợp. Sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là một hoạt động cần thiết xuất phát từ nhu cầu và tính thống nhất của hệ thống. Phối hợp là cách thức, phương thức, theo đó cơ quan nhà nước và những người có trách nhiệm cùng nhau tiến hành giải quyết công việc theo một trình tự nhất định.

Quy chế phối hợp phải đủ mạnh, đủ sức tạo sự gắn kết giữa cơ quan đầu mối và cơ quan phối hợp trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, nó chính là xương sống tạo lập ra mô hình một cửa liên thông, nếu không có nó, mô hình cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Quy chế phối hợp phải được thể hiện dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và bảo đảm các nội dung: Về mục tiêu: Thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, thuận lợi nhất các thủ tục hành chính về đầu tư. Về đối tượng và phạm vi phối hợp: Xác định cơ quan được phân công làm đầu mối trong số các cơ quan tham gia phối hợp. Cơ quan đầu mối có trách nhiệm làm đầu mối tiếp nhận các hồ sơ thủ tục của các nhà đầu tư, trả các kết quả cho nhà đầu tư, cung cấp thông tin cần thiết cho nhà đầu tư về các quy định phải thực hiện khi tiến hành thủ tục hành chính về đầu tư, giúp cho nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cần thiết về thủ tục đầu tư, thay mặt nhà đầu tư chuyển hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện cùng tham gia phối hợp, nhận kết quả do các cơ quan phối hợp chuyển đến để trả kết quả cho nhà đầu tư.

Cơ quan đầu mối có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan cùng phối hợp thực hiện nghiêm túc các quy định trong quy chế phối hợp. Ngoài cơ quan đầu mối, các cơ quan còn lại là các cơ quan phối hợp. Cơ quan phối hợp có trách nhiệm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình thực hiện các thủ tục hành chính do cơ quan đầu mối chuyển tới một cách kịp thời theo đúng các quy định mà quy chế phối hợp đã đề ra. Giải quyết nhanh các yêu cầu tham vấn để làm cơ sở giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư theo đề nghị của các cơ quan cùng tham gia phối hợp…

Nhà đầu tư có trách nhiệm lập và nộp đầy đủ hồ sơ cần thiết, chỉnh sửa các hồ sơ thủ tục khi có yêu cầu, đóng phí, lệ phí theo quy định, có quyền khiếu nại khi kết quả không được trả đúng hẹn.

Cơ quan đầu mối tiếp nhận, trả kết quả, thu phí, lệ phí, hướng dẫn, chuyển các yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ của các cơ quan phối hợp cho nhà đầu tư thực hiện. Cơ quan phối hợp bảo đảm thực hiện các thủ tục đã quy định theo yêu cầu của cơ quan đầu mối, bảo đảm chất lượng công việc và thời gian thực hiện.

Nhà đầu tư chỉ giao dịch, liên hệ tại một nơi là cơ quan đầu mối, chỉ thực hiện thủ tục theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan đầu mối. Việc luân chuyển hồ sơ, thủ tục trong từng cơ quan, giữa các cơ quan với nhau (cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp) được thực hiện qua đường liên hệ nội bộ. Trong hoạt động phối hợp phải bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia phối hợp. Mẫu hóa các mẫu, biểu… để nhà đầu tư chỉ cần điền vào mẫu biểu cho thuận tiện.

Xác định rõ thời gian giải quyết cho từng loại công việc: Việc quy định thời hạn giải quyết phải được coi là bắt buộc, là cơ sở để khen thưởng, kỷ luật, đánh giá các cơ quan phối hợp.

Để đảm bảo cho công tác phối hợp giữa các cơ quan được đồng bộ, nghiêm túc chấp hành các quy định của quy chế, đảm bảo cho mô hình một cửa liên thông được vận hành tốt cần phải quy định cụ thể về khen thưởng, động viên các cá nhân, cán bộ, công chức, các cơ quan thực hiện tốt, xử lý kịp thời các cá nhân, các cơ quan vi phạm.

Trong triển khai thực hiện, định kỳ, các cơ quan phối hợp cần rút kinh nghiệm với nhau, trường hợp phát sinh mâu thuẫn, ách tắc… cần xử lý ngay, nếu không tự giải quyết được phải báo cáo UBND tỉnh, thành phố để kịp thời xử lý.