Phương pháp tính lãi CVTD

CVTD trả góp là hình thức cho vay, trong đó người đi vay trả nợ gồm số tiền gốc và lãi cho ngân hàng nhiều lần, theo những kỳ hạn nhất định trong thời hạn cho vay. Phương thức này được áp dụng cho những khoản vay có giá trị lớn hoặc thu thập định kỳ của người đi vay không đủ khả năng thanh toán hết một lần số nợ vay. Đối với loại CVTD này, các NHTM thường quan tâm đến 5 nguyên tắc sau: (1) loại tài sản được tài trợ; (2) số tiền phải trả trước (ngân hàng yêu cầu khách hàng phải thanh toán trước 1 phần giá trị tài sản cần mua sắm); (3) năng lực tài chính của người đi vay; (4) chi phí tài trợ; (5) điều khoản thanh toán.

Bài viết tập trung phân tích, làm rõ nguyên tắc thứ 5 - điều khoản thanh toán thông qua hai phương pháp tính lãi CVTD tại các NHTM, đó là phương pháp tính lãi đơn (Simple Interest Method) và phương pháp tính lãi gộp (Add – on Method).

Thứ nhất, phương pháp tính lãi đơn. Theo phương pháp này, vốn gốc của người đi vay phải trả từng định kỳ, được tính đều nhau bằng cách lấy vốn ban đầu chia cho số kỳ hạn thanh toán. Còn lãi phải trả mỗi kỳ được tính trên số tiền khách hàng thực sự thiếu ngân hàng.

Chẳng hạn, hiện nay, mức lãi suất CVTD tại NHTM X đưa ra là 14%/năm và NHTM Y là 10%/năm. Thoạt nhìn, khách hàng sẽ chọn vay vốn tại NHTM Y, do mức lãi suất cho vay của ngân hàng này thấp hơn NHTM X, tức là số tiền khách hàng phải trả hàng tháng thấp hơn ngân hàng X. Tuy nhiên, khi đến kỳ hạn trả nợ, nhiều khách hàng không khỏi ngỡ ngàng với số tiền lãi thực tế phải trả lớn hơn lãi suất niêm yết.

Dẫn chứng cụ thể, ông A đến NHTM X làm thủ tục vay tiêu dùng 400 triệu đồng trong 4 năm để mua sắm nội thất cho gia đình. Sau khi thẩm định, cán bộ tín dụng của ngân hàng X đồng ý cho ông A vay với lãi suất 14%/năm. Kỳ hạn trả nợ là 1 năm, số tiền phải trả lãi được tính theo phương pháp lãi đơn (bảng 1).

 

Bàn về phương pháp tính lãi cho vay tiêu dùng trả góp tại ngân hàng thương mại - Ảnh 1

 

Bảng 1 cho thấy, lãi được tính trên dư nợ còn lại của khách hàng, tiền lãi sẽ giảm dần theo thời gian. Phương pháp tính lãi đơn tuân theo nguyên tắc, khách hàng nợ bao nhiêu lãi trả bấy nhiêu. Điều này liên quan đến lãi suất hiệu dụng: Với mức lãi suất danh nghĩa 14%/năm của ngân hàng X niêm yết thì lãi suất hiệu dụng cũng đúng bằng 14%/năm. Tuy nhiên, phương pháp lãi đơn này có một nhược điểm là nguồn trả nợ của khách hàng vay tiêu dùng chủ yếu là từ lương và thu nhập định kỳ, đây là nguồn thu nhập đều qua các kỳ hạn. Với phương pháp tính lãi này, áp lực trả lãi cho khách hàng ở những kỳ đầu tiên là rất lớn, gây căng thẳng về tài chính cho khách hàng và gây khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ cho ngân hàng.

Để khắc phục nhược điểm của phương pháp tính lãi đơn trên, các NHTM đã đưa ra phương pháp tính lãi thứ hai (phương pháp gộp). Theo phương pháp gộp, lãi được tính bằng cách lấy vốn gốc nhân với lãi suất và thời hạn vay, sau đó gộp vào vốn gốc rồi chia cho số kỳ hạn phải thanh toán để tìm số tiền phải thanh toán ở mỗi định kỳ. Cụ thể, tính theo công thức sau:

T = (V+L)/N

Với L= V x R x N

Trong đó:

T: Số tiền phải thanh toán cho ngân hàng ở mỗi kỳ hạn

L: Chi phí tài trợ, bao gồm lãi vay phải thanh toán và các chi phí khác có liên quan

V: vốn gốc

N: Số kỳ hạn

R: Lãi suất tính cho mỗi kỳ hạn

Với trường hợp trên, giả định ông A không vay vốn tại NHTM X mà vay vốn tại NHTM Y với mức lãi suất thấp hơn là 10%/năm. NHTM Y tính lãi phải trả cho ông A theo phương pháp gộp. Áp dụng theo công thức trên ta có: L = 400 x 10% x 4 = 160 triệu đồng. Như vậy, tổng số lãi ông A phải trả cho NHTM Y là 160 triệu đồng, cao hơn 20 triệu đồng so với NHTM X (mỗi kỳ phải trả số lãi là 40 triệu đồng). Theo phương pháp gộp, NHTM Y đã thực hiện cào bằng tổng lãi cho tất cả các kỳ hạn mà ông A phải trả số tiền lãi bằng 40 triệu. Tuy nhiên, tổng tiền lãi ông A phải thanh toán cho NHTM Y là 160 triệu đồng (Bảng 2).

Bàn về phương pháp tính lãi cho vay tiêu dùng trả góp tại ngân hàng thương mại - Ảnh 2

Từ ví dụ trên cho thấy, để NHTM X và NHTM Y cạnh tranh công bằng với nhau, khi tính lãi theo phương pháp gộp thì NHTM Y sẽ phải điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 10%/năm, xuống còn 8,75%/ năm. Như vậy, nhìn vào mức lãi suất cho vay mà hai ngân hàng trên đưa ra, khách hàng thấy có sự chênh lệch đáng kể, lãi suất theo dư nợ ban đầu (dư nợ gốc) hấp dẫn hơn so với lãi suất tính theo dư nợ giảm dần (dư nợ thực tế). Tuy nhiên, thực tế số tiền khách hàng phải trả khi ngân hàng tính lãi theo dự nợ ban đầu cao hơn rất nhiều so với việc tính lãi theo dư nợ thực tế.

Giải pháp phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng trả góp

Để nâng cao hiệu quả hoạt động CVTD trả góp tại các NHTM trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động cho vay tiêu dùng. Ngày 30/7/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Văn bản số 5461/NHNN-TTGSNH gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, giám sát hoạt động tại các phòng giao dịch, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ của các tổ chức tín dụng có hoạt động CVTD trên địa bàn. Theo đó, các NHTM phải công khai việc niêm yết lãi suất cho vay và việc thực hiện tính lãi đối với khách hàng vay vốn khi sử dụng sản phẩm tín dụng của ngân hàng mình.

Theo văn bản này, các NHTM niêm yết lãi suất tại các phòng giao dịch, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ của tổ chức tín dụng phải công khai biểu lãi suất chi tiết áp dụng cho từng nhóm sản phẩm, từng loại sản phẩm cho vay.

Thứ hai, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ tín dụng. Các NHTM không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và hoàn thiện danh mục sản phẩm, xây dựng chính sách lãi suất hợp lý và linh hoạt, xây dựng chiến lược hoạt động CVTD một cách phù hợp với điều kiện kinh tế, mở rộng hơn nữa các kênh phân phối, nâng cao chất lượng thẩm định khách hàng, đẩy mạnh các hoạt động giao tiếp khuếch trương.

Bên cạnh đó, các ngân hàng mở các khóa đào tạo ngắn hạn về sản phẩm, kỹ năng tiếp thị sản phẩm, tư vấn khách hàng để nâng cao nhận thức và trình độ cho nhân viên. Đối với khách hàng vay vốn, cán bộ tín dụng cần giải thích rõ về việc ngân hàng thực hiện tính lãi và tư vấn cho khách hàng sử dụng sản phẩm tín dụng cho phù hợp.

Thứ ba, NHTM cần minh bạch cách tính lãi cho vay tiêu dùng. Hiện nay, nhiều NHTM thu hút khách hàng với mức lãi suất cho vay rất hấp dẫn, tuy nhiên, lãi suất đó thường chỉ áp dụng trong vài tháng đầu, sau đó các ngân hàng này sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cho vay. Khách hàng vay vốn không hiểu rõ nội dung trong Hợp đồng tín dụng, do đó đã dẫn tới việc khách hàng vay phải chịu lãi suất rất cao. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM và bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay vốn, NHNN cần có những văn bản quy phạm rõ ràng hơn nữa, nhằm hạn chế việc các NHTM mập mờ đối với các khoản cho vay tiêu dùng.

Bàn về phương pháp tính lãi cho vay tiêu dùng trả góp tại ngân hàng thương mại

Hạ Thị Hải Ly - Phân viên Bắc Ninh (Học viện Ngân hàng)

(Tài chính) Nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay tiêu dùng (CVTD) của khách hàng, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang cạnh tranh nhau quyết liệt bằng việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kéo dài thời hạn trả nợ, mức lãi suất cho vay hấp dẫn… Tuy nhiên, thực tế lãi suất khách hàng phải trả khi tiếp cận khoản vay này lớn hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng niêm yết. Bài viết phân tích phương pháp tính lãi suất CVTD của các ngân hàng để hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề trên…

Xem thêm

Video nổi bật