Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế thế giới và trong nước năm 2014
Triển vọng kinh tế thế giới 2014
Kinh tế thế giới năm 2013 phục hồi chậm chạp và còn nhiều bất chắc. Tăng trưởng GDP toàn cầu thấp hơn so với năm trước (ở mức 2,4% so với 2,5% của năm 20121) chủ yếu do các nước đang phát triển và mới nổi tăng trưởng chậm lại trong khi phục hồi tăng trưởng của các nước phát triển lại chưa rõ nét. Trong năm 2013, các nước phát triển đã nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong khi tiếp tục thắt chặt tài khóa để giảm thâm hụt ngân sách.2
Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới năm 2014 sẽ rõ nét hơn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại và đầu tư. Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo tăng từ 2,4% năm 2013 lên 3,2% năm 2014,3 trong đó, các nền kinh tế phát triển tăng từ 1,3% lên 2,2%, các nước phát triển tăng từ 4,8% lên 5,3%. Riêng Trung Quốc do tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nên tăng trưởng được dự báo giữ nguyên trong năm 2014, và giảm trong hai năm tiếp theo. Thương mại thế giới cũng sẽ tăng nhanh hơn với khối lượng trao đổi hàng hóa và dịch vụ dự báo tăng 4,6% trong năm 2014 (so với 3,1% trong năm 2013).
Vốn FDI ròng vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự báo tăng 3% so với 2013.4 Triển vọng trên cùng với khả năng Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kí kết trong năm 2014 cũng như việc các nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch vốn từ Trung Quốc, Ấn Độ sang các nước ASEAN, là những điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2014. Trong khi đó, vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự báo giảm 15,5% so với 2013 do khả năng các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ, nhất là việc Mỹ rút bớt gói QE3 trong năm 2014. Cán cân thanh toán của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng nhất định bởi tình hình trên nhưng không nhiều do vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam còn khá nhỏ so với qui mô nền kinh tế cũng như lượng ngoại hối dự trữ.
Giá hàng hóa trên thế giới được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2014, trong đó giá hàng hóa ngoài dầu giảm 2,6%, giá dầu giảm 0,6%,5 tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu kiềm chế lạm phát trong nước.
Chính sách tiền tệ dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng trong khi chính sách tài khóa bớt thắt chặt.
Chính sách tiền tệ nới lỏng nhiều khả năng vẫn được duy trì song qui mô giảm bớt khi tăng trưởng phục hồi rõ nét hơn. Mỹ đang từng bước rút dần gói QE36. Tuy nhiên, tại các nền kinh tế khu vực Euro và Nhật Bản, chính sách tiền tệ tiếp tục nghiêng về điều hành nới lỏng để chống lại tình trạng thiểu phát và hỗ trợ tăng trưởng. Trong khi đó, các nước đang tiếp tục tiến hành cải cách để lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ví dụ như: (i) EU tiến tới hình thành liên minh tiền tệ mạnh mẽ với một khuôn khổ thống nhất nhằm làm giảm thiểu rủi ro, tăng cường sức mạnh hệ thống tài chính, và giảm bớt mức trần nợ công tại các nước thành viên; (ii) Trung Quốc tiến hành cải cách hệ thống tài chính nhằm chống các giao dịch ngầm ngoài vòng kiểm soát, giảm nợ công và tạo điều kiện cho tư nhân tham gia mạnh mẽ vào khu vực tài chính.
Chính sách tài khóa cũng có thể giảm bớt thắt chặt khi mức thâm hụt ngân sách đang có xu hướng giảm nhờ những nỗ lực cắt giảm chi tiêu trong những năm gần đây. Tại Mỹ, chính sách tài khóa thắt chặt trong năm 2013 sẽ được giảm bớt trong năm 2014 khi dự luật ngân sách đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Tại EU, mức độ thắt chặt chính sách tài khóa cũng đang giảm dần với mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm.
Triển vọng kinh tế trong nước 2014
Trong năm 2013, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định với tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng khá, tỷ giá hối đoái ổn định. Nhờ đó, lòng tin của các nhà đầu tư được củng cố với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, chỉ số CDS giảm đáng kể, thị trường chứng khoán diễn biến khả quan, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện. Cùng với kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi (nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gia tăng, kinh doanh bất động sản có sự cải thiện về hiệu quả hoạt động7.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Năm 2013 là năm đầu tiên kể từ 2009 ghi nhận sự suy giảm rõ nét về quy mô của khu vực doanh nghiệp trên cả 3 phương diện là tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và doanh thu. So với cùng kì 2012, trong 9 tháng đầu năm 2013, tổng tài sản bình quân của doanh nghiệp giảm 5,2%, vốn chủ sở hữu bình quân giảm 3,97%, doanh thu bình quân chỉ tăng 3,11% so với cùng kỳ 2012.
Về mục tiêu tăng trưởng GDP
Tăng trưởng trong năm 2014 sẽ tích cực hơn so với 2013 nhờ cải thiện về tổng cầu. Tiêu dùng tư nhân dự kiến sẽ cải thiện hơn so với năm 2013.Thực tế trong tháng 1/2014, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) đã tăng 5,8% so với cùng kỳ 2013, cao hơn mức tăng của cả năm 2013 (5,6%).
Bênh cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội có điều kiện thuận lợi hơn so với năm 2013 để đạt mức 30% GDP: Đầu tư tư nhân trong nước cải thiện hơn nhờ những biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh sẽ phát huy tác dụng trong năm 2014, và những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đã giúp hệ thống tài chính nâng cao khả năng cấp tín dụng. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài gia tăng do triển vọng kinh tế thế giới tốt hơn9 cũng như việc TPP dự kiến được kí kết trong năm 2015.
Như vậy, tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 dự kiến sẽ tích cực hơn so với năm 2013 nhờ cải thiện về tổng cầu cũng như các điều kiện thuận lợi của môi trường kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với mục tiêu tổng quát trong năm 2014 là ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tiền tệ - tài khóa sẽ tiếp tục được điều hành thận trọng, thêm vào đó doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn, nợ xấu vẫn còn ở mức cao nên để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% sẽ cần cố gắng, nỗ lực lớn.
Về mục tiêu lạm phát
Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2014 được thuận lợi nhờ yếu tố lạm phát tâm lý đang ổn định, xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới và điều hành chính sách vẫn tiếp tục quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, so với năm 2013, sức ép lạm phát có thể cao hơn do tăng tổng cầu cũng như việc tăng phát hành trái phiếu có thể gián tiếp ảnh hưởng đến lạm phát.
Theo ước tính của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, yếu tố cầu kéo làm lạm phát tăng thêm khoảng 0,5 điểm % so với 2013.10 Trong khi đó, nhu cầu điều chỉnh giá nhóm hàng hóa cơ bản và dịch vụ công do nhà nước quản lý vẫn còn khá lớn và giá lương thực, thực phẩm được dự báo sẽ tăng cao hơn năm 2013 do nguồn cung hạn chế (nhất là đối với mặt hàng gạo và thịt lợn). Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia ước tính, nếu giá lương thực thực phẩm và giá điện đều tăng đến 10% thì sẽ khiến lạm phát tăng thêm khoảng 1,2 điểm % so với 2013.