Báo cáo tích hợp và vấn đề cải tiến chương trình đào tạo kế toán
Khác với báo cáo thường niên truyền thống, báo cáo tích hợp là sự tích hợp thông tin để truyền tải một câu chuyện liền mạch, xuyên suốt về cách thức tạo ra giá trị của một doanh nghiệp. Báo cáo tích hợp phát triển trong những năm gần đây. Để bắt kịp xu hướng này, các doanh nghiệp cần một lực lượng chuyên trách có thể nắm bắt được "tinh thần" của báo cáo tích hợp. Theo đó, cần có sự thay đổi trong các chương trình đào tạo kế toán từ các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp trên cơ sở các nguyên tắc và nội dung quy định tại khung báo cáo tích hợp.
Xu hướng phát triển báo cáo tích hợp
Sự sụp đổ của các công ty trong quá khứ cùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu buộc các bên liên quan phải đặt câu hỏi về khả năng cung cấp thông tin của hệ thống báo cáo tài chính hiện tại trong việc ra quyết định. Trong quá khứ, các công ty có xu hướng lập nhiều báo cáo khác nhau, bao gồm: báo cáo tài chính, báo cáo môi trường, các báo cáo phát triển bền vững… Các báo cáo đã được chuẩn bị một cách rời rạc dẫn đến thông tin được trình bày trong các báo cáo không thể được kết nối với nhau. Ngoài ra, mặc dù các báo cáo chứa nhiều thông tin phân tích về tình hình kinh tế của doanh nghiệp nhưng rất khó xác định bất kỳ giá trị nào về doanh nghiệp. Ngay sau đó, báo cáo tích hợp (BCTH) ra đời nhằm giải quyết khe hổng này.
BCTH ra đời thông qua sáng kiến chung của Hội đồng BCTH quốc tế (IIRC) được thành lập năm 2010, tuy nhiên, tư duy tích hợp đã được đề cập trước đó (mặc dù rải rác và không hệ thống). Sau khi thành lập, IIRC đã khởi động chương trình thí điểm để tìm cơ sở cho việc phát triển các nguyên tắc trong việc thực hành BCTH. Năm 2013, khuôn khổ quốc tế (Khung IIRC) đầu tiên về BCTH được ban hành. Theo đó, BCTH là một quá trình dựa trên suy nghĩ tích hợp dẫn đến báo cáo tích hợp định kỳ của một tổ chức về việc tạo ra giá trị theo thời gian và các thông tin liên quan về các khía cạnh tạo ra giá trị. BCTH tập hợp các thông tin quan trọng về chiến lược, quản trị, hiệu suất và triển vọng của một tổ chức trong bối cảnh thương mại, xã hội và môi trường. BCTH cung cấp thông tin rõ ràng và súc tích về cách tổ chức quản trị và cách nó tạo ra giá trị trong hiện tại và trong tương lai.
BCTH không chỉ là một quy trình báo cáo mà được thành lập dựa trên tư duy tích hợp hay tư duy hệ thống. Trên cơ sở này, tư duy tích hợp và BCTH củng cố lẫn nhau. Tư duy tích hợp phải tính đến khả năng kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nguồn lực ảnh hưởng đến khả năng tạo ra giá trị của của tổ chức. Các nguồn lực bao gồm tất cả các tài nguyên và mối quan hệ tạo thành một phần của mô hình kinh doanh của tổ chức bao gồm: Tài chính, sản xuất, trí tuệ, con người, xã hội, các mối quan hệ và tự nhiên (IIRC, 2013). Tư duy tích hợp dẫn đến việc ra quyết định tích hợp và các hành động xem xét việc tạo ra giá trị trong thời gian ngắn, trung và dài hạn, nó thúc đẩy một đánh giá toàn diện cho việc phát triển doanh nghiệp và xã hội. Churet và Ecèr (2014) cho rằng, BCTH là một công cụ nổi bật cho tổ chức kinh doanh, công cụ này cho phép tất cả các loại tính năng báo cáo bên trong một báo cáo. Đó là lý do tại sao, BCTH không chỉ là một báo cáo kinh doanh mà còn vượt ra ngoài một báo cáo (Steyn, 2014).
BCTH nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các viện nghiên cứu, các chính phủ, các tổ chức như KPMG, PWC, GRI… Điều này cho thấy, vai trò của BCTH ngày càng được thế giới ghi nhận. BCTH ngày càng được sử dụng nhiều tại các quốc gia. Xu hướng này là phù hợp với sự gia tăng đáng kể nhu cầu về tính minh bạch từ các nhà quản lý, nhà lập pháp và các cổ đông. Theo số liệu của Tổ chức GRI (2013) (với mẫu là các công ty thực hành báo cáo theo tiêu chuẩn GRI), giai đoạn 2010 -2012, tỷ lệ các DN lập BCTH tăng lên qua các năm, từ 10% đến 50%. Nếu xét theo khu vực, phần lớn các BCTH thuộc về các tổ chức ở châu Âu (42-58%), tiếp đến các tổ chức ở châu Phi (13-26%) với các báo cáo gần như không có ngoại lệ được công bố bởi các tổ chức Nam Phi - khu vực đầu tiên và duy nhất bắt buộc các DN niêm yết phải áp dụng BCTH. Các tổ chức thuộc châu Á chiếm khoảng 9-10%.
Theo báo cáo thường niên của IIRC (2018), tổ chức áp dụng BCTH được trải rộng trên 64 quốc gia. Ở Nam Phi và Nhật Bản, BCTH đã nhận được sự chấp nhận rộng rãi như một hình thức báo cáo đa vốn. Năm 2015, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố văn bản khuyến nghị sử dụng các BCTH như một phương tiện để truyền đạt tốt hơn giá trị của các công ty Nhật Bản. Tính đến năm 2017, 341 công ty niêm yết tại Nhật Bản đã xuất bản các BCTH.
Ở Đông Nam Á, BCTH được áp dụng nhiều tại Malaysia, với hơn 60 công ty đã xuất bản các BCTH. Dự báo, số lượng công ty xuất bản các BCTH tại Malaysia sẽ tăng lên hơn 100 công ty trong năm tới. BCTH cũng được áp dụng tại là Singapore, Thái Lan và Indonesia; còn ở Phillipines và Việt Nam vẫn là mức độ khá “khiêm tốn”.
Có thể thấy, với vai trò của mình, BCTH là xu thế của thời đại. Để bắt kịp với xu hướng, các doanh nghiệp cần phải có đội ngũ chuyên trách được đào tạo để nắm được tinh thần của BCTH, nhằm tạo ra một báo cáo hoàn chỉnh nhất. Theo đó, việc thay đổi chương trình đào tạo phù hợp là cần thiết đối với các tổ chức giáo dục kế toán.
Một số quy định về báo cáo tích hợp thông qua Khung IIRC 2013
Được ban hành vào năm 2013, Khung IIRC đã nêu rõ mục đích chính mà một BCTH cần phải đạt được gồm: (1) Nâng cao chất lượng thông tin có sẵn để qua đó cung cấp thông tin nhiều hơn về hiệu quả vốn và việc phân bổ vốn; (2) Thúc đẩy nhiều hơn nữa sự gắn kết và hiệu quả của báo cáo dựa trên báo cáo khác và phải truyền đạt đầy đủ các yếu tố có ảnh hưởng trọng yếu đến khả năng tạo ra giá trị theo thời gian của tổ chức; (3) Tăng cường trách nhiệm và quản lý các nguồn lực (tài chính, sản xuất, trí tuệ, con người, xã hội - mối quan hệ và tự nhiên), đồng thời, thúc đẩy phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng; (4) Hỗ trợ tư duy tích hợp, ra quyết định và hành động tập trung vào việc tạo ra giá trị trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Bên cạnh đó, khung IIRC thiết lập các nguyên tắc hướng dẫn và nội dung chính chi phối nội dung tổng thể của một tích hợp báo cáo. Bảy nguyên tắc hướng dẫn được trình bày tại Khung IIRC (2013) gồm: (1) Chiến lược trọng tâm và định hướng tương lai; (2) Kết nối thông tin; (3) Mối quan hệ của bên liên quan; (4) Tính trọng yếu; (5) Sự súc tích; (6) Tính đầy đủ và độ tin cậy; (7) Tính nhất quán và khả năng so sánh. Các nguyên tắc này được áp dụng riêng lẻ và chung cho mục đích chuẩn bị và trình bày BCTH.
Nội dung của một BCTH phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi tổ chức. Do đó, các yếu tố nội dung được trình bày chỉ mang tính chất hướng dẫn, tổ chức cần phải thực hiện phán quyết trong việc áp dụng nguyên tắc hướng dẫn để xác định thông tin nào được báo cáo, cũng như cách báo cáo. Các yếu tố nội dung được hướng dẫn tại khung IIRC trình bày dưới dạng các câu hỏi thay vì danh sách kiểm tra, cụ thể, bao gồm: Tổng quan về tổ chức và môi trường bên ngoài; Vai trò nhà quản trị; Mô hình kinh doanh; Cơ hội và rủi ro có thể xảy ra Chiến lược và sự phân bổ nguồn lực; Hiệu suất của DN; Triển vọng; Cơ sở chuẩn bị và trình bày.
Báo cáo tích hợp và chương trình đào tạo kế toán phù hợp
Bảy nguyên tắc hướng dẫn được trình bày tại Khung Báo cáo tích hợp quốc tế (2013) gồm: (1) Chiến lược trọng tâm và định hướng tương lai; (2) Kết nối thông tin; (3) Mối quan hệ của bên liên quan; (4) Tính trọng yếu; (5) Sự súc tích; (6) Tính đầy đủ và độ tin cậy; (7) Tính nhất quán và khả năng so sánh. Các nguyên tắc này được áp dụng riêng lẻ và chung cho mục đích chuẩn bị và trình bày báo cáo tích hợp.
Từ những nội dung trên, có thể thấy, để chương trình đào tạo kế toàn phù hợp với các nguyên tắc của BCTH, cần xây dựng kiến thức về DN một cách toàn diện hơn. Điều đó có nghĩa là chương trình giảng dạy kế toán phải rút ra từ một loạt các quy tắc kinh doanh rộng hơn so với hiện tại. Phải kết hợp nhiều năng lực, bao gồm đạo đức và chuyên môn. Theo truyền thống, chương trình giảng dạy kế toán tập trung chủ yếu vào giao dịch thay vì cung cấp chiến thuật hay chiến lược của DN bởi trọng tâm của báo cáo truyền thống chủ yếu là về nhận biết, đo lường và định giá tài sản, nợ phải trả, thu nhập và chi tiêu. Do đó, chương trình giảng dạy có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các số liệu tài chính ngắn hạn thông qua việc ghi chép, xử lý, tóm tắt và báo cáo thông tin tài chính định kỳ cho các cổ đông. Qua nhiều năm phát triển, mặc dù, chương trình giảng dạy kế toán bao gồm nhiều nội dung hơn xung quanh các chức năng ra quyết định hoặc hỗ trợ ra quyết định, áp dụng cho nhiều bên liên quan bên trong, bên ngoài, tuy nhiên như vậy vẫn là chưa đủ.
BCTH đòi hỏi người học phải có cái nhìn dài hạn và bền vững hơn về DN, về khả năng ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi môi trường của DN. BCTH đòi hỏi tổng hợp nhiều hơn cả thông tin định lượng và định tính để cung cấp một bức tranh phong phú hơn về vị trí, hiệu suất và triển vọng của tổ chức. BCTH và khuôn khổ quốc tế BCTH gợi ý cho các nhà phát triển giáo dục về một chương trình giảng dạy kế toán hiện đại, đáp ứng xu hướng phát triển của thế giới, bao gồm các nguyên tắc và nội dung đã được đề cập ở trên. Điều này khuyến khích các nhà phát triển chương trình giảng dạy xem xét cấu trúc tổng thể, thiết kế và cách tiếp cận để phân phối chương trình phù hợp. Những thay đổi chính mà các cải cách kế toán ở trên sẽ yêu cầu là đánh giá mức độ nổi bật của tổng số môn học cần hoặc nên được dạy trong một chương trình, hoặc theo nguyên tắc tích hợp, tích hợp nhiều hơn các môn học kế toán được dạy một cách riêng biệt trước đây.
Việc thực hiện báo cáo tài chính như hiện nay có thể sẽ giảm đi trong tương lai và sẽ theo cách tiếp cận toàn diện hơn, tức là dựa trên thông tin kế toán quản lý nội bộ, đo lường tài chính và quản lý hiệu suất. Do đó, trong tương lai, có thể cần nội dung đào tạo liên quan đến báo cáo tài chính, thậm chí BCTH. Trong đó, các giáo trình tập trung nhiều vào khía cạnh định tính và triển vọng báo cáo ra bên ngoài hơn là trình bày dữ liệu lịch sử.
Chương trình giảng dạy kế toán cần tập trung nhiều hơn vào hiệu suất và quản lý tài chính ở tất cả các cấp của tổ chức và về mối liên hệ giữa quản lý hiệu suất, chiến lược và báo cáo bên ngoài. Các giáo trình kế toán hiện đại cũng sẽ cần tập trung các nội dung về rủi ro kinh doanh, tích hợp vào một loạt các giáo trình, thay vì nằm trong một giáo trình riêng biệt.
Báo cáo DN sẽ bao gồm nhiều thông tin hơn về triển vọng và chiến lược kinh doanh bằng cách trình bày các kế hoạch dài hạn và thậm chí thông tin ngân sách rộng rãi (có tính đến phân tích độ nhạy thông tin). Các đánh giá chiến lược sẽ cần thích ứng để đáp ứng nhu cầu BCTH. Do đó, người học sẽ cần chứng minh các kỹ năng tổng hợp và đánh giá ở cấp độ cao hơn. Họ sẽ cần phân tích thêm thông tin phi cấu trúc, tài chính, định lượng và định tính từ nhiều nguồn khác nhau, để đưa ra đánh giá tròn đầy đủ hơn về vị trí, hiệu suất và tác động của một thực thể. Người học cần đánh giá cao giá trị của việc sử dụng thông tin cho khả năng dự đoán, để đánh giá triển vọng và cho các mục đích khắc phục thay vì từ quan điểm quản lý thụ động.
Tài liệu tham khảo:
1. Disterheft, A., Caeiro, S., Azeiteiro, U. M., Leal Filho, W. (2015), Sustainable universities–a study of critical success factors for participatory approaches. Journal of Cleaner Production. 106, 11–21;
2. Dumay, J. (2016), A critical reflection on the future of intellectual capital: from reporting to disclosure, Journal of Intellectual Capital, 17 (1), 168-184;
3. Framework IIRC (2013);
4. Gareth Owen (2013), Integrated Reporting: A Review of Developments and their Implications for the Accounting Curriculum, Accounting Education ISSN: 0963-9284;
5. GRI (2013), The sustainability content of integrated reports – a survey of pioneers, The Global Reporting Initiative.