Lập hai sổ kế toán sẽ bị coi là phạm pháp
Luật Kế toán mới đã bổ sung quy định về các hành vi bị cấm, bao gồm việc lập hai hệ thống sổ sách kế toán tài chính trở lên.
Việc cấm hành vi lập nhiều hệ thống sổ kế toán tài chính là nhằm ngăn chặn tình trạng ngoài hệ thống sổ kế toán tài chính theo quy định, đơn vị kế toán còn lập sổ sách kế toán, báo cáo tài chính khác phản ánh không đúng tình hình tài chính của đơn vị để đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước, sử dụng để làm hồ sơ vay vốn các tổ chức tín dụng, đấu thầu, thực hiện các giao dịch trên thị trường tài chính...
Vẫn liên quan đến các hành vi bị cấm, luật còn cấm cung cấp số liệu báo cáo tài chính không đồng nhất trong cùng kỳ kế toán; thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, giấy chứng nhận hành nghề kế toán; thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình.
Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin cũng nằm trong danh sách các hành vi bị cấm.
Một vấn đề đáng chú ý khác là luật hiện hành chỉ quy định hạch toán theo giá gốc, do đó không phản ánh đúng thực trạng tài sản và nợ tại thời điểm lập báo cáo tài chính, chưa phù hợp thông lệ quốc tế.
Một nguyên tắc kế toán quan trọng được Luật Kế toán 2015 bổ sung là quy định nguyên tắc giá trị hợp lý. Theo đó giá trị tài sản và nợ được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính.
Việc xác định và hạch toán theo giá trị hợp lý có tính kỹ thuật, Bộ Tài chính quy định cụ thể các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý.
Luật bổ sung nhiều quy định mới về báo cáo tài chính nhà nước, trách nhiệm lập báo cáo tài chính nhà nước của Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, tài khoản kế toán, kiểm tra kế toán, kiểm soát nội bộ, kinh doanh dịch vụ kế toán ….
Những người không được làm kế toán gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.