Bảo đảm điện ổn định, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2031, năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng.

Năm 2025 được coi là năm “tăng tốc và bứt phá” để đạt mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, chuẩn bị cho đất nước tâm thế sẵn sàng, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong năm bản lề có ý nghĩa vô cùng quan trọng này, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu vượt trội để tăng tốc, bứt phá và phát triển đã được Chính phủ đề xuất và được Trung ương thống nhất, trong đó có mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2031.
Để đạt mục tiêu trên, năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là sản phẩm hàng hóa đặc thù, “đầu vào của mọi đầu vào” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Đáng chú ý, trong bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo đảm cân đối năng lượng; yêu cầu khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc của ngành điện và nhấn mạnh quan điểm, mệnh lệnh dứt khoát là phải bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống; có lộ trình tính đúng, tính đủ để có giá điện bán ra phù hợp trong nền kinh tế thị trường…

Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 7/5, ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã khẩn trương vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian rất ngắn.
Ngay từ đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách nhằm triển khai thi hành Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024. Cùng với đó, Bộ cũng đã ban hành loạt thông tư hướng dẫn thi hành, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, qua đó từng bước tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong thời gian qua để thúc đẩy đầu tư, phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu điện năng trong thời gian tới.
Về công tác đảm bảo cung ứng điện cho năm 2025, ngay từ cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế đạt tối thiểu 8%. Tương ứng, nhu cầu điện được dự báo tăng trên 12%. Trên cơ sở đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo cung ứng điện ổn định cho cả nước.
Trong đó, Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy điện, đơn vị truyền tải và phân phối xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thiết bị, đảm bảo độ sẵn sàng cao nhất để phục vụ nhu cầu điện.
Đồng thời, yêu cầu các nhà máy điện và đơn vị cung ứng nhiên liệu như than, dầu khí chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo tồn trữ nhiên liệu tại kho và trong nhà máy, đáp ứng nhu cầu điện, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm.
Bên cạnh đó, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ hoàn thành các dự án điện quan trọng trong năm. Giao Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia xây dựng và cập nhật kịch bản vận hành hệ thống điện, ứng phó linh hoạt với các tình huống thay đổi phụ tải, thủy văn, thời tiết, từ cao điểm đến thấp điểm, đảm bảo huy động hợp lý các nguồn điện khác nhau.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dân sinh, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Bộ đã ban hành các quy định, chế tài, yêu cầu cụ thể để nâng cao hiệu quả sử dụng điện.
Ông Đoàn Ngọc Dương đánh giá: “Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm 2025, việc cung cấp điện cho sản xuất và đời sống người dân cơ bản được đảm bảo, kể cả trong các dịp cao điểm”. Bên cạnh đó, ông Đoàn Ngọc Dương nhấn mạnh rằng, với các giải pháp đã và đang triển khai cùng tinh thần trách nhiệm cao, Bộ Công Thương đánh giá khả năng cung ứng điện năm 2025 là khả quan.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Điện lực, vẫn cần cảnh giác với những tình huống cực đoan như phụ tải tăng đột biến, thủy văn xuống thấp hoặc thời tiết nắng nóng kéo dài, trùng với thời điểm một số tổ máy gặp sự cố. Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đang xây dựng các kịch bản dự phòng để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện quốc gia.