Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát triển tích cực trước biến động kinh tế toàn cầu
Tại buổi họp kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh tháng 4/2025 do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 8/5, lãnh đạo TPHCM nhận định, kinh tế của thành phố phát triển tích cực trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế 4 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,9% so cùng kỳ; trong đó chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 7,7% , 3 ngành công nghiệp truyền thống ước tăng 13,6% .
Theo bà Mai, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 4/2025, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phục hồi và phát triển tích cực của ngành công nghiệp Thành phố trước những biến động kinh tế toàn cầu. Việc các ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể thể hiện hiệu quả của các chính sách hỗ trợ và chiến lược phát triển công nghiệp của Thành phố.
Về lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 57.776 tỷ đồng, tăng 28,7%; dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 19.485 tỷ đồng, tăng 42,2%; dịch vụ lữ hành ước đạt 7.012 tỷ đồng, tăng 38,2. Lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 444.885 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2024.
Nổi bật là doanh thu dịch vụ du lịch tăng đột biến. Tổng thu du lịch tháng 4 ước đạt 19.919 tỷ đồng, tăng 29,9% so cùng kỳ năm 2024; lũy kế 4 tháng ước đạt 76.581 tỷ đồng, tăng 27,5%, đạt 29,5% kế hoạch năm.
Khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh trong tháng 4 ước đạt 679.569 lượt, tăng 51,2% so cùng kỳ năm 2024; lũy kế 4 tháng ước đạt 2.315.189 lượt, tăng 26,2%, đạt 27,2% kế hoạch năm. Khách nội địa tháng 4 ước 3.084.161 lượt, tăng 9,3% so cùng kỳ năm 2024; lũy kế 4 ước đạt 11.658.355 lượt, tăng 7,1%, đạt 25,9% kế hoạch năm.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 4,357 tỷ USD, giảm 7,5% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng ước đạt 16,124 tỷ USD, tăng 9,07% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,5%), phản ánh hiệu quả của các giải pháp, chính sách thúc đẩy xuất khẩu và sự mở rộng thị trường quốc tế trong thời gian qua. Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 5,17 tỷ USD, giảm 5,4% so tháng trước. Lũy kế 4 tháng ước đạt 20,41 tỷ USD, tăng 12,6% (cùng kỳ tăng 18,1%).
Đối với tình hình thực hiện vốn đầu tư công, Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 85.517,052 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 4.605,492 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 80.911,56 tỷ đồng. Đến hết ngày 29/4/2025, theo số liệu Kho bạc Nhà nước khu vực II cung cấp sơ bộ, Thành phố đã giải ngân 6.068 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,2% trên tổng mức vốn đầu tư công năm 2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, nhìn chung, các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng “2 con số” trên địa bàn Thành phố được tập trung đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt. Các dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, công trình giao thông kết nối tiếp tục đẩy nhanh tiến độ; các công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tập trung nguồn lực thực hiện; tập trung giải quyết, tháo gỡ các công trình, dự án, khu đất gặp vướng mắc, khó khăn.
Đặc biệt, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của Thành phố vươn lên vị trí 21, tăng 12 bậc so với năm trước. Thành tích này là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Thành phố.
Kinh tế - xã hội Thành phố tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 4 tháng đầu năm, các chỉ tiêu đều đạt tăng trường khá cao so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, còn một số khó khăn, trong đó có những biến động khó lường của thương mại quốc tế và từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, một số doanh nghiệp Thành phố có thị trường xuất khẩu chính ở Mỹ bị tác động, ảnh hưởng nhất định trong việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; thực hiện kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thành phố cũng ưu tiên đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; kiên định mục tiêu tăng trưởng GRDP của năm. Trong đó, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án, đẩy nhanh các dự án trọng điểm; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội; cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất hơn...