Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO:

Thời cơ lịch sử hiếm có để góp sức vào phát triển đất nước

Hữu Hòe (thực hiện)

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế - Tài chính về Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO cho rằng, doanh nhân Việt Nam có thể xác định đây là thời cơ lịch sử hiếm có để góp sức vào phát triển đất nước.

Phóng viên: Nghị quyết số 68-NQ/TW khẳng định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Điều này, theo ông sẽ mở ra đường hướng, cũng như động lực phát triển kinh tế tư nhân ra sao trong thời gian tới?

Luật sư Trần Minh Hải: Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ khẳng định, mà thực tế đã phác họa bức tranh toàn cảnh về môi trường kinh doanh hiện tại, những yêu cầu về mục tiêu, giải pháp phát triển, lời kêu gọi sự đoàn kết đóng góp, để biến kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam tới nay đã có những tập đoàn mạnh, chứng minh khả năng có thể phát triển quy mô lớn, quản trị rủi ro tốt. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân Việt Nam từng đối mặt với nhiều định kiến như: chỉ là đối tượng ưu tiên sau cùng so với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chưa được nhìn nhận là đối tác tin cậy trong tham gia thực hiện những chính sách trọng yếu của quốc gia (về hạ tầng, y tế, giáo dục). Thậm chí, họ là đối tượng cần kiểm soát giới hạn quy mô phát triển.

Tuy nhiên, với Nghị quyết số 68-NQ/TW, từ quan điểm chỉ đạo, cho đến các giải pháp đều đang hướng tới xóa bỏ triệt để các định kiến còn tồn tại về kinh tế tư nhân, chuyển từ kiểm soát sang thúc đẩy, phụng sự, hỗ trợ. Toàn bộ hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp sẽ có chuyển biến để tạo sự hỗ trợ cho nguồn động lực quan trọng nhất này.

Phóng viên: Nghị quyết số 68-NQ/TW yêu cầu giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm"... Theo ông, điều này có tạo sự đột biến về thông thoáng môi trường đầu tư, kinh doanh?

Luật sư Trần Minh Hải: Sẽ có đột biến mà doanh nghiệp mong đợi. Nội dung trên mới chỉ là một nội dung yêu cầu trong điểm giải pháp thứ 2 (điểm 2, mục III- Nhiệm vụ, giải pháp) của 8 nhiệm vụ giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW. Một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp đòi hỏi môi trường đó trước hết phải dễ dàng cho doanh nghiệp từ khâu gia nhập thị trường, thay đổi, cho đến khi rút lui khỏi thị trường.

Hệ thống giải pháp riêng tại điểm 2, mục III, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đưa ra rất nhiều yêu cầu hỗ trợ vấn đề này, từ việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đến hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, thậm chí có yêu cầu cụ thể về sửa đổi Luật Phá sản, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục pháp lý.

Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO.
Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO.

Đối với doanh nhân, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi phải là một môi trường an toàn. Riêng những giải pháp tại điểm 2, mục III, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đưa ra tổng hợp nhiều yêu cầu về vấn đề này như: hướng tới các quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng, yêu cầu bảo đảm sự nhanh chóng, công bằng, khách quan, bình đẳng trong xử lý của các cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp.

Đặc biệt, điều mà cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đó là những nguyên tắc chỉ dẫn mới và cụ thể trong chống hình sự hóa các vấn đề kinh doanh thương mại, như: “không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp”, “trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự, thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự”…

Thể chế hóa được đúng đắn các yêu cầu này trong xây dựng và áp dụng pháp luật, môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ trở lên lý tưởng đối với doanh nghiệp.

Phóng viên: Nghị quyết số 68-NQ/TW yêu cầu thực hiện cơ chế thị trường, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên… Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Luật sư Trần Minh Hải: Sự bình đẳng ở đây không chỉ được xem xét trong mối tương quan giữa khu vực kinh tế tư nhân so với khu vực kinh tế Nhà nước, mà còn với cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Việc phân bổ nguồn lực công bằng và hợp lý sẽ khả thi khi yêu cầu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW được áp dụng triệt để.

Chẳng hạn, trong xây dựng cơ chế mới về quyền tiếp cận đất đai, áp dụng triệt không chỉ đơn thuần là sửa đổi điều kiện công bằng về khả năng được trao quyền sử dụng đất giữa các khu vực kinh tế tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản…, mà còn ở khâu tuân thủ áp dụng thực tiễn. Ví dụ, chỉ cần trong một hồ sơ mời thầu dự án đầu tư có sử dụng đất có nội dung đặt ra những điều kiện mang tính phân biệt đối xử như: doanh nghiệp phải có tài khoản mở tại ngân hàng A, B, C (vốn trọng yếu của Nhà nước), thì cần phải coi đó là không áp dụng triệt để.

Bên cạnh đó, cũng nên hiểu rằng, giải pháp phân bổ công bằng nguồn lực từ Nghị quyết số 68-NQ/TW là hàng loạt giải pháp linh hoạt khác nhau kết hợp. Chẳng hạn, đó là giải pháp tạo nguồn vốn bảo đảm cơ chế thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn lực vốn cho khu vực kinh tế tư nhân nêu tại mục 3.2, Nghị quyết số 68-NQ/TW như: “Cho phép các định chế đầu tư tài chính mở rộng khả năng huy động vốn từ các nguồn như: quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí tự nguyên để phát triển thị trường vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân”. Cơ chế gọi vốn mới này rất linh hoạt và mang tính đặc thù hướng tới giải quyết nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân.

Phóng viên: Theo ông, khu vực kinh tế tư nhân cần có hành động gì để tận dụng thời cơ mới do Nghị quyết số 68-NQ/TW mang lại?

Luật sư Trần Minh Hải: Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh đổi mới tư duy, cải cách cơ chế, bảo đảm môi trường kinh doanh, ưu tiên phân bổ nguồn lực, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, xây dựng, củng cố chuỗi ngành nghề kinh doanh cho doanh nghiệp nội, nâng tầm quy mô tập đoàn kinh tế tư nhân, hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy tinh thần yêu nước đóng góp cho đất nước của các doanh nhân.

Tất cả hướng tới thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trên quan điểm Nghị quyết số 68-NQ/TW coi đây là nguồn lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Vậy thì các doanh nhân Việt Nam có thể xác định đây là thời cơ hiếm có trong lịch sử, để góp sức mình vào phát triển sự nghiệp của mình và của đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!