Bảo đảm tính khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng chống dịch vào chi phí được trừ
Ngày 16/2/2022, Tổng cục Thuế có Công văn số 438/TCT-CS yêu cầu Cục Thuế các địa phương bảo đảm việc tính khoản chi ủng hộ, tài trợ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đúng thực tế phát sinh; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi.
Thời gian qua, mặc dù cùng trong bối cảnh khó khăn, nhiều DN, tổ chức trên khắp mọi miền đất nước đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hưởng ứng và chung tay cùng Nhà nước trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc ủng hộ, tài trợ. Đó là nghĩa cử tốt đẹp, mang tính nhân đạo cao cần được động viên, khuyến khích, đặc biệt là khi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 được đánh giá vẫn còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp trong thời gian tới.
Tổng cục Thuế cho biết, nhằm khuyến khích các tổ chức, DN tham gia đóng góp vào công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ. Đơn cử như: Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV; Nghị định số 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ (áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020, 2021); hay như Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ (áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2022).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách nêu trên, đã có ý kiến phản ánh về trường hợp DN, tổ chức lợi dụng việc ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật (thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế và các loại hàng hóa khác) nhưng hạch toán giá trị hiện vật vượt quá giá trị thực tế để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không đúng với quy định của pháp luật thuế, gây ảnh hưởng đến hoạt động ủng hộ, tài trợ mang tính nhân văn của cộng đồng DN nói chung và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Để ngăn chặn, xử lý tình trạng lợi dụng chính sách nêu trên, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính đã có Công văn số 15184/BTC-CST ngày 31/12 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các Cục Thuế, Cục Hải quan các địa phương về ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng chính sách trong hoạt động ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, để đảm bảo cho việc tính khoản chi ủng hộ, tài trợ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu TNDN đúng thực tế phát sinh, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các địa phương đẩy mạnh công tác truyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thuế và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật có liên quan.
Song song với đó, cần tăng cường phối hợp công tác quản lý thuế và công tác quản lý giá trong hoạt động ủng hộ, tài trợ. Cơ quan Thuế các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để thực hiện các biện pháp quản lý thuế đối với các DN, người nộp thuế có phát sinh hoạt động ủng hộ, tài trợ để đảm bảo việc thực hiện Luật Quản lý thuế theo đúng quy định, ngăn chặn hành vi lợi dụng chính sách.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát các khoản chi, ủng hộ, tài trợ của các DN cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Đối với các trường hợp ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật, đặc biệt là trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vật tư y tế, cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng liên quan trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra để xác minh hóa đơn, chứng từ, tờ khai hàng hóa nhập khẩu (nếu có); đồng thời thực hiện so sánh, đối chiếu với giá của sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường tại thời điểm DN mua. Qua đó, có thể xác định, phát hiện trường hợp kê khai không đúng giá trị khoản ủng hộ, tài trợ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN để có được biện pháp quản lý thuế phù hợp, đúng quy định của pháp luật.