Xây dựng quy trình hoàn thuế phù hợp với yêu cầu quản lý thuế mới
Theo Tổng cục Thuế, để phù hợp với yêu cầu quản lý thuế mới, gắn công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với ứng dụng công nghệ thông tin và dựa trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế của Ngành, cần thiết xây dựng dự thảo quy trình hoàn thuế thay thế quy trình hiện hành. Theo đó, Dự thảo quy trình hoàn thuế được xây dựng đảm bảo tính thống nhất về nội dung công việc, trình tự thực hiện, thời gian, cách thức thực hiện.
Ngày 15/2, Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến dự thảo quy trình hoàn thuế thay thế quy trình ban hành kèm Quyết định số 905/QĐ-TCT ngày 01/7/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, để đảm bảo quy trình khi ban hành mang tính khả thi, cơ quan thuế các cấp tập trung tham gia ý kiến đóng góp xây dựng quy trình từ nội dung, trình tự thực hiện, thời gian, cách thức thực hiện và phân công thực hiện đối với từng công chức, bộ phận chức năng quản lý thuế thuộc cơ quan thuế các cấp trong việc tiếp nhận, giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.
Đồng thời, việc xây dựng quy trình hoàn thuế mới cần thực hiện trên nền tảng tự động hoá tối đa các bước công việc nhằm kiểm soát tiến độ giải quyết hoàn thuế, trách nhiệm của từng cá nhân trong hoàn thuế, kiểm soát công tác quyết toán hoàn thuế. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy trình có sự kết nối, đồng bộ giữa các quy trình quản lý thuế khác có liên quan trên cơ sở quản lý rủi ro, ứng dụng thanh tra kiểm tra, ứng dụng về kiểm tra nội bộ trong công tác kiểm soát hoàn thuế.
Theo quy định hiện hành, quy trình hoàn thuế được thực hiện theo Quyết định số 905/QĐ-TCT của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành ngày 01/7/2011. Sau hơn 10 năm thực hiện, Quy trình đã giúp cơ quan thuế theo dõi, quản lý người nộp thuế thực hiện các thủ tục về hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định và đảm bảo công chức thuế, cơ quan thuế thực thi đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, Thông tư số 156/2013/TT-BTC và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Trong công tác quản lý hoàn thuế, các cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực và biện pháp quản lý chặt chẽ hoàn thuế, công tác kiểm tra hồ sơ trước khi giải quyết hoàn thuế đạt hiệu quả cao, góp phần ngăn chặn gian lận về hoàn thuế, đặc biệt là hoàn thuế GTGT.
Nhiều cơ quan thuế đã thực hiện tốt công tác triển khai, hỗ trợ kịp thời về chính sách thuế cho các doanh nghiệp từ bộ phận tiếp nhận, phân loại, kiểm tra hồ sơ, nên người nộp thuế đã có ý thức cao trong việc chấp hành ngay từ công tác kê khai thuế đảm bảo chính xác và đúng quy định, số liệu chính xác.
Đến nay, sau khi Luật Quản lý thuế số 38/QH14 ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Bộ Tài chính được giao xây dựng quy định chi tiết về tiếp nhận và phản hồi thông tin hồ sơ hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, thẩm quyền quyết định hoàn thuế, trình tự và thủ tục hoàn thuế.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đó, để phù hợp với yêu cầu quản lý thuế mới, gắn công tác quản lý hoàn thuế GTGT với ứng dụng công nghệ thông tin và dựa trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế của Ngành, cần thiết xây dựng dự thảo quy trình hoàn thuế thay thế quy trình ban hành kèm Quyết định 905/QĐ-TCT của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Vấn đề đặt ra hiện này đòi hỏi cơ quan thuế các cấp cần phân biệt rõ cách thức giải quyết hoàn thuế của từng trường hợp hoàn (xuất khẩu, đầu tư, ODA, hoàn nộp thừa, hoàn thuế thu nhập cá nhân); quy định các công việc phải sát thực tế, tiếp kiệm nguồn lực, đảm bảo chất lượng, tính chặt chẽ, có khả năng ngăn chặn và phát hiện các trường hợp rủi ro cao xuyên suốt trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hoàn thuế; việc theo theo dõi, đánh giá rủi ro hoàn phải thực hiện ở các khâu trước, trong và sau hoàn.
Việc phân định hồ sơ hoàn thuế phải dựa trên nguyên tắc phân loại hoàn thuế theo rủi ro, đi sâu vào xác định bản chất của số thuế hoàn, đề nghị hoàn trên cơ sở thông tin quản lý thuế, quá trình hoàn trên các ứng dụng quản lý thuế, thông tin thu thập từ cơ quan liên quan như tờ khai hải quan, thanh toán ngân hàng và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan.
Theo Tổng cục Thuế, đến nay, Dự thảo quy trình hoàn thuế đã được cơ quan thuế xây dựng gồm 3 phần: quy định chung; nội dung của quy trình bao gồm quy định cụ thể trong tiếp nhận, phân loại, chấp nhận hồ sơ đề nghị hoàn của từng trường hợp hoàn thuế; tổ chức thực hiện.
Dự thảo quy trình đã hướng dẫn rõ và cụ thể hơn đối với bước tiếp nhận hồ sơ qua giao dịch điện tử, đảm bảo điện tử hoá một cách tối đa các bước công việc cần thực hiện; danh mục hóa các trạng thái hồ sơ hoàn thuế, mã lỗi, phân công xử lý, giải quyết hồ sơ hoàn thuế… để hỗ trợ công tác giải quyết hoàn thuế.
Quy trình cũng tập trung vào việc phân tích hồ sơ, xác định điều kiện được hoàn, đi sâu vào bản chất của số thuế đề nghị hoàn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định các nguyên tắc nghiệp vụ thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo ghi nhận, kiểm soát, hạch toán đúng, đầy đủ kịp thời thông tin hồ sơ hoàn thuế, quyết định, lệnh hoàn trên hệ thống TMS.
Dự thảo quy trình cũng quy định việc lưu hành văn bản (gồm văn bản công nhận và các thông báo trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế bằng hình thức điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu về chủ trương lưu hành văn bản điện tử của Chính phủ và đẩy mạnh giao dịch điện tử với người nộp thuế của cơ quan thuế các cấp...
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế trình bày những nội dung của dự thảo quy trình hoàn thuế. Từ điểm cầu các cục thuế và điểm cầu Tổng cục Thuế, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các nội dung về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo pháp luật thuế, đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp, hồ sơ hoàn thuế thu nhập các nhân của cá nhân tự quyết toán cũng như tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hoàn nộp thừa...