Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương. Do vậy, công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử, củng cố vững chắc môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử theo đúng quy định của pháp luật là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của lực lượng Công an nhân dân từ cuối năm 2020 đến khi kết thúc cuộc bầu cử.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, công tác bảo đảm an ninh, trật tự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, với cấp độ bảo vệ cao nhất, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 30/7/2020, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCA về công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử với 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Đồng thời, Bộ Công an cũng đã ban hành Kế hoạch số 330/KH-BCA về công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử, xác định “bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn lực lượng Công an từ nay đến khi kết thúc cuộc bầu cử”, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cục nghiệp vụ và Công an địa phương; thành lập Tiểu ban An ninh, trật tự, phân công 01 đồng chí lãnh đạo Bộ Công an là Trưởng Tiểu ban để tập trung chỉ huy, chỉ đạo mọi công tác liên quan bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử...
Cùng với đó, lực lượng công an trong cả nước cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ bằng các Kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử đến từng cấp công an, nhất là cấp xã/phường, ban hành Kế hoạch Lịch triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự để cụ thể hóa các nhóm công việc, phân công rõ trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Thời gian qua, lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình bên trong, bên ngoài, tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh xã hội, âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu...
Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan tích cực nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp tán phát thông tin phức tạp, vận động bầu cử, ứng cử trái quy định, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Chủ động phối hợp, tham mưu giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử, công tác bầu cử, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời chủ động rà soát, tham mưu Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo giải quyết ổn định tại chỗ nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn, bức xúc trong nội bộ nhân dân, không để phức tạp, lan rộng, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự, không để phần tử xấu lợi dụng kích động gây chia rẽ nội bộ, gây sức ép, lôi kéo người dân không đi bầu cử...
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, quá trình triển khai các biện pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự, có thể rút ra một số vấn đề sau đây:
Một là, bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mọi chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp về chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử là yếu tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Hai là, công tác bảo đảm an ninh, trật tự phải được triển khai chủ động, từ sớm, từ xa, trọng tâm từ cơ sở, giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả mọi vấn đề phức tạp ngay từ khi mới manh nha, còn trong “trứng nước”, huy động toàn lực lượng Công an nhân dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của lãnh đạo Bộ Công an, Thủ trưởng Công an các địa phương, phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sỹ ở từng vị trí công tác, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy.
Ba là, đặc biệt coi trọng phối hợp giữa lực lượng Công an với lực lượng Quân đội và các cơ quan, ban, ngành có liên quan, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân trong triển khai các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ tổ chức cuộc bầu cử.
Bốn là, trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự cuộc bầu cử, vấn đề cơ bản, quan trọng nhất là tạo môi trường thực sự an ninh, an toàn lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, lựa chọn, giới thiệu, bầu được những đại biểu ưu tú, những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng cuộc bầu cử để vi phạm pháp luật, gây phương hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Năm là, chủ động thiết lập phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn từng khu vực bỏ phiếu, từng thùng phiếu trong đó định rõ cơ chế chỉ huy chỉ đạo, bố trí lực lượng, phương tiện cụ thể; thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo đảm bịt kín mọi sơ hở, thiếu sót.
“Toàn lực lượng Công an nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Quân đội và các lực lượng chức năng, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các phương án, kế hoạch, dành toàn tâm, toàn lực, nỗ lực phấn đấu, sẵn sàng hy sinh, để bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để xảy ra sơ xuất dù là nhỏ nhất”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh.