Báo động đỏ nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Theo Trương Khắc Trà/diendandoanhnghiep.vn

Khó có thể tin rằng, một xã hội tiêu dùng đẳng cấp cao như Châu Âu bị đẩy đến bờ vực… thiếu “cái ăn” do khủng hoảng lương thực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhiều chuyên gia cảnh báo khủng hoảng lương thực ở Châu Âu có nguy cơ lan rộng toàn cầu nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Sụp đổ hệ thống

Ông Matthias Berninger, Chủ tịch Bayer AG, tập đoàn hóa chất lớn nhất Châu Âu cảnh báo: “Năm tới, Châu Âu sẽ phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.

Sở dĩ Châu Âu rơi vào tình trạng trên do xung đột Nga- Ukraine đã đẩy “lục địa già” vào tình trạng thiếu phân bón. Bởi vì Nga và Ukraine là hai công xưởng phân bón toàn cầu, không một nền nông nghiệp nào không sử dụng phân đạm, kali nhập về từ những nước này. Thiếu phân bón ở Châu Âu khiến năng suất và chất lượng nông sản kém đi, cung khan hiếm, cầu tăng dẫn đến giá cả tăng vọt.

Người ta đặt vấn đề với 6 gói cấm vận của Châu Âu nhằm vào Nga kể từ khi bắt đầu chiến sự ở Ukraine, nguyên nhân trực tiếp gây đứt gãy chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Tờ ExPress từ Anh Quốc đăng tựa đề “bánh mỳ có thể lên 10 euro một cái”; còn ở trung tâm nước Mỹ, giá một cái bánh pizza lần đầu tiên vượt qua giá vé đi tàu điện ngầm, mọi thứ dần vượt qua khỏi ranh giới chịu đựng.

Không ngẫu nhiên mà ông Putin liên tục đăng đàn nói về hệ quả đối với phần còn lại thế giới khi nước Nga bị phong tỏa. Năng lượng, lương thực sẽ trở thành mối đe dọa tiếp theo sau đại dịch COVID-19.

Tiềm ẩn bất ổn

Thiếu lương thực chỉ là cách nói giảm nhẹ, bản chất sâu xa là khủng hoảng lương thực, một loại khủng hoảng tồi tệ nhất trong các loại khủng hoảng, phản ánh bức tranh đen tối tận cùng do xung đột địa chính trị, sử dụng vũ khí kinh tế cho hoạt động chiến tranh.

Nạn đói là nguồn gốc sinh ra bất ổn chính trị, xã hội ở các quốc gia phụ thuộc vào năng lượng, phân bón, lương thực từ Nga, Ukraine vốn đang chìm trong xung đột vũ trang. Theo một thống kê không mấy lạc quan, có tới 50 quốc gia nhập khẩu ít nhất 30% lúa mì từ Nga và Ukraine và 26 quốc gia nhập khẩu còn nhiều hơn, trên 50% hàng hóa nói trên từ 2 quốc gia này.

Sự kiện “mùa xuân Ả rập” thường được nói đến với trò chơi “xuất khẩu dân chủ” của phương Tây, nhưng ở thời điểm đó, giá ngũ cốc ở vùng Bắc Phi tăng gần 40%, bơm thêm động lực để người dân trút hết bất bình vào giới tinh hoa chính trị. Hay tại Sudan, đã xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình vì đói kém do giá lương thực tăng gần gấp đôi.

Nhiều chuyên gia cảnh báo hãy cẩn trong với giá cả những mặt hàng thiết yếu! “Khối u” bất bình âm thầm trong xã hội có thể bục phát bất cứ lúc nào. Việt Nam cần điều chỉnh cán cân xuất khẩu gạo, kìm hãm giá xăng, phân bón để tránh hậu quả.

Bắt đầu có cuộc cạnh tranh giữa các nền nông nghiệp lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… để tìm cách giành nguồn cung, định đoạt giá cả. Các nước này hiện gom khoảng 5 triệu tấn hóa chất nông nghiệp.