Căng thẳng Nga - Ukraine tác động thế nào tới an ninh lương thực Đông Nam Á?
Vào thời điểm các chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đã bị tắc nghẽn do đại dịch, xung đột giữa Nga và Ukraine lại diễn ra, khiến an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Nam Á vốn đã bất ổn nay lại càng tệ hơn.
Vì sao an ninh lương thực Đông Nam Á dễ bị tổn thương?
Tờ Thediplomat trực tuyến của Nhật (TDC) số ra trung tuần tháng 3/2022 cho biết, thế giới những năm đầu thế kỷ 21 là một hệ thống phức tạp, với nhiều mối quan hệ chằng chịt. Vì vậy, khi dịch bệnh hay chiến tranh bùng phát, cả hệ thống có thể bị tác động, nhiều bất ngờ xảy ra, kể cả những thuật toán công nghệ cao cũng không lường hết. Đại dịch COVID-19 là một ví dụ cho hiện tượng này. Liên quan đến mức độ lạm phát trên quy mô toàn cầu, bất ổn chính trị - xã hội, sự gián đoạn chuỗi cung ứng khiến các chính phủ và ngân sách quốc gia không ổn định... Tất cả những vấn đề này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới trong nhiều năm nữa.
Tương tự, căng thẳng Nga - Ukraine hiện nay đã làm chao đảo các thị trường hàng hóa và cổ phiếu toàn cầu. Ngoài việc giá dầu gần chạm mức cao nhất kể từ năm 2008, giá dầu Brent có thời điểm chạm 139 USD/thùng, giá lương thực toàn cầu cũng tăng lên mức báo động. Điều này cần được các nhà hoạch định chính sách quan tâm, vì nó có thể ảnh hưởng tới mọi người dân trên toàn thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Nam Á.
Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), châu Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất, nơi mà biến đổi khí hậu vốn đã tác động tiêu cực, nay lại có thêm dịch bệnh, chiến tranh thì hệ lụy càng trầm trọng. Điều quan trọng cần lưu ý, 67% số người đói trên thế giới tập trung ở châu Á. Báo cáo Chính sách Lương thực Toàn cầu 2021 của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế đưa ra dự báo về Nam Á sau đại dịch là rất đáng báo động, với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến 28 % và dự báo tăng trưởng GDP điều chỉnh, giảm tới 14%.
“Căng thẳng Nga - Ukraine diễn ra vào thời điểm mà chuỗi cung ứng lương thực và hàng tồn kho bị bóp nghẹt, cạn kiệt vì đại dịch. Nay tác động của cuộc xung đột sẽ làm trầm trọng thêm tình hình an ninh lương thực vốn có của khu vực”, TDC nhấn mạnh.
Chiến sự Nga - Ukraine khiến lưu thông lương thực bị tác động mạnh
Theo TDC, các chuyến hàng bị trì hoãn do giao tranh vẫn tiếp diễn quanh Biển Đen. Ngay trong tuần đầu tiên tháng Ba, 8 lô hàng ngô không thể kịp chuyển đến châu Á. Giá lương thực đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2016. Ví dụ, giá ngô tăng 17% kể từ khi chiến tranh nổ ra. Ukraine và Nga cùng chiếm một phần tư thương mại ngũ cốc toàn cầu và chiếm một phần ba xuất khẩu lúa mì và lúa mạch của toàn cầu thế giới. Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm trên thế giới. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình là những nước hưởng lợi quan trọng từ lúa mì của Ukraine, với 55% lúa mì của nước này hướng đến châu Á và 40% đến châu Phi. Indonesia, Bangladesh và Ai Cập là một trong những nước tiêu thụ lúa mì Ukraine lớn nhất. Nga và Ukraine chiếm một nửa lượng lúa mì nhập khẩu của Bangladesh, trong khi 39% lúa mì của Pakistan đến từ Ukraine.
Ukraine cũng là nước xuất khẩu dầu hướng dương, bồ tạt và lưu huỳnh lớn nhất cùng với yến mạch và một số loại ngũ cốc khác được vận chuyển qua Biển Đen. Nhiều nước Đông Nam Á phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu này.
Hợp đồng lúa mì kỳ hạn đã tăng hơn 50% kể từ khi bắt đầu cuộc chiến (cao nhất trong 14 năm), trong khi dự trữ ngũ cốc toàn cầu tiếp tục giảm, đánh dấu lần thứ năm liên tiếp dự trữ giảm trên cơ sở hàng năm. Mặt khác, giá lương thực toàn cầu lại đang tăng vọt, với chỉ số lương thực của Liên hợp quốc cao hơn 40 phần trăm so với hai năm qua. Các sự kiện khác như gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thời tiết xấu, sản lượng giảm và giá dầu tăng cũng góp một phần quan trọng.
Hệ lụy an ninh lương thực Đông Nam Á vì đại dịch và chiến tranh
Đại dịch COVID-19 đã gây trở ngại trong việc giải quyết các thách thức chính đối với an ninh lương thực và để lại hậu quả nghiêm trọng trên khắp khu vực Đông Nam Á, khiến nhiều người mất mạng, sinh kế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Không chỉ vậy, lạm phát gia tăng, đẩy giá lương thực tăng cao còn gây ảnh hưởng đến khả năng mua sắm của các hộ gia đình.
Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng an ninh lương thực tại Đông Nam Á. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sản xuất lương thực nội địa của Indonesia không đủ cung ứng cho dân số ngày càng tăng, trong khi nhập khẩu lương thực lại giảm do ảnh hưởng của đại dịch. COVID-19 đã làm gián đoạn sản xuất và phân phối trong nước, dẫn đến thiếu hụt các mặt hàng chủ lực, như: gạo, trứng và đường. Ví dụ, tại Thái Lan, hạn hán vào năm 2020 đã làm giảm sản lượng đường, khiến dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại dịch COVID-19 bùng phát càng làm giảm nhu cầu nhập khẩu đường, kéo theo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Thái Lan giảm 19% vào năm 2020.
Ngoài COVID-19, Đông Nam Á với dân số hơn 675 triệu người đang phải đối mặt với những thách thức dai dẳng của biến đổi khí hậu, trong đó nhiều nước đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu khiến mực nước trên các con sông giảm mạnh, kéo theo hiện tượng xâm nhập mặn. Khu vực Đông Nam Á là nơi phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế phức tạp, vì thế, hậu quả của một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực là rất rõ ràng và khó tránh.
Cùng với COVID-19, chính biến Nga - Ukraine không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Khiến giá lúa mì, ngô và gạo chiếm 40% lượng calo tiêu thụ trên toàn cầu tăng vọt. Sự leo thang về giá không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến dinh dưỡng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Bây giờ đã là mùa xuân, là mùa gieo hạt ở Ukraine và đất nước đang chịu các cuộc tấn công trên không và trên mặt đất, nông dân sẽ không thể gieo hạt. Theo cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine, một cuộc chiến ngày càng trầm trọng sẽ khiến các sản phẩm nông nghiệp chính thống như hạt cải dầu, ngô và lúa mì giảm 10-50%.
Trong một thế giới ước tính có khoảng 45 triệu người dễ bị nạn đói, tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine có thể rất thảm khốc. Mối liên hệ giữa giá lương thực tăng và tình trạng bất ổn xã hội được thiết lập rõ ràng. Năm 1977, chính phủ Ai Cập cắt giảm trợ cấp đối với lúa mì, dầu và các mặt hàng gia dụng hàng ngày khác, dẫn đến bạo loạn bánh mì. Giá lương thực tăng cũng đóng một vai trò quan trọng trong Mùa xuân Ả Rập.
Trên toàn cầu, lạm phát không có dấu hiệu giảm trong khi đó giá dầu lại đang tăng nhanh. Nó kéo theo việc tăng giá vận chuyển, tăng giá đối với tất cả các mặt hàng, kể cả lương thực, thực phẩm. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển của Nam Á và châu Á nhập khẩu chính qua Biển Đen sẽ dễ bị tổn thương nhiều hơn. Do đó, giới chuyên gia cho rằng khi đại dịch tạm thời được kìm chân, cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, thì các nước trong khu vực cần áp dụng mô hình an ninh lương thực phù hợp để thích ứng với sự gián đoạn cả bên trong và bên ngoài.
Để đảm bảo an ninh lương thực, các quốc gia cần tăng cường giáo dục văn hóa cho người dân, đa dạng hóa cây trồng, đối phó tốt với biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước hiệu quả, quản lý dinh dưỡng tổng hợp, cải tiến giống, tăng cường việc áp dụng công nghệ, nhận thức đầy đủ về mức gia tăng dân số. Bên cạnh đó, các nước cũng cần tạo điều kiện để nông dân tăng năng suất, bảo vệ nguồn lao động nhập cư và đảm bảo tính bền vững của lương thực.