Báo động tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt
50 tấn hàng hóa các loại gồm: Xe máy, điện thoại di động, linh kiện điện tử... bị lực lượng Công an bắt giữ trung tuần tháng 6 vừa qua cho thấy tình hình vận chuyển hàng lậu, hàng gian trên tuyến đường sắt vẫn không hề giảm.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Văn Xuấn, Trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến đường bộ, đường sắt (Phòng 2), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74-Bộ Công an) cho biết, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường sắt, nhất là địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh...
Hàng hóa vi phạm chủ yếu được các đối tượng tổ chức lén lút mang vác qua khu vực đường biên vào ban đêm. Qua xác minh, tại khu vực Lạng Sơn và Quảng Ninh hiện có khoảng 60 tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới với quy mô lớn. Khi hàng “vượt biên” trót lọt, các đối tượng sử dụng xe tải, xe khách hoán cải vận chuyển vào sâu trong nội địa các tỉnh như chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân (Hà Nội); Bắc Ninh.
Sau đó, hàng hóa lại được trung chuyển từ Bắc vào Nam qua nhiều tuyến đường bộ, đường sắt, nhưng tập trung chủ yếu là tuyến đường sắt. Hầu hết hàng hóa đã lên xe ô tô, tàu hỏa được hợp lý hóa bằng các hóa đơn, chứng từ. Các loại chứng từ hợp pháp này lại được chính các đối tượng mua trôi nổi trên thị trường chợ đen, các DN có hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, đặc biệt là khu vực huyện Cao Lộc (Lạng Sơn).
Trước tình hình tội phạm hoạt động phức tạp, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74-Bộ Công an) đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách tổ chức phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến đường bộ, đường sắt. Phòng 2, C74 đã căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch đấu tranh hiệu quả.
Sau một thời gian tổ chức, bố trí cán bộ trinh sát, lực lượng C74 đã phối hợp với lực lượng C67 (Bộ Công an), lực lượng: Quản lý thị trường và Công an các tỉnh lên phương án, đấu tranh bắt giữ. Liên tiếp trong tháng 6, lực lượng chức năng đã tổ chức, bắt giữ 2 vụ vận chuyển hàng chục tấn hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ.
Điển hình là trung tuần tháng 6, qua công tác thu thập thông tin, lực lượng Công an tiến hành xác minh chính xác thông tin có hàng chục tấn hàng hóa vận chuyển trên tàu Bắc Nam có nhiều nghi vấn. Ngay sau đó, Phòng 2 đã lên phương án đấu tranh, đồng thời cử cán bộ bí mật theo sát hành trình tàu chạy từ ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) đến ga Biên Hòa (Đồng Nai) tránh hiện tượng cắt toa để tẩu tán hàng hóa.
Căn cứ vào lịch chạy tàu, trong 2 ngày: 16 và 17-6, tại ga Biên Hòa (Đồng Nai), Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai và Công an Đồng Nai bất ngờ kiểm tra tàu TN1 chạy từ Hà Nội vào ga Biên Hòa khi đoàn tàu này vừa vào tới nhà ga.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 4 toa tàu chở theo một khối lượng hàng hóa lớn đồ dùng và linh kiện điện tử như điện thoại, dây sạc pin điện thoại, quần áo… không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, phần lớn hàng hóa được đóng trong các bao tải và thùng carton.
Trong quá trình kiểm tra, ngoài một số xe máy SH, lốc xe máy, lực lượng chức năng phát hiện thêm 1 xe máy hạng sang nhãn hiệu Ducati, trị giá khoảng 35.000 USD. Đáng lưu ý, số phương tiện trên được gắn biển kiểm soát giả đều đã qua sử dụng; các các lốc máy có số khung, số máy bị đục và mài mòn có nghi vấn là hàng trộm cắp.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nhận định, số hàng trên nhiều khả năng sẽ được vận chuyển vào các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Theo ước tính ban đầu, tổng trọng lượng hàng hóa vi phạm khoảng 50 tấn, trị giá 10 tỷ đồng. Hiện lực lượng C74 đang phối hợp với các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai xác minh làm rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định. Đây là vụ vận chuyển hàng lậu thứ ba trên tuyến đường sắt do lực lượng C74 phát hiện, bắt giữ (kể từ khi đơn vị này thành lập vào tháng 6-2015).
Nhìn từ vụ việc trên, ông Trần Văn Xuấn cho biết thêm, do đặc thù của ngành đường sắt, việc phối hợp kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên tàu phải được thực hiện ở ga xuất phát và ga cuối cùng; hàng hóa phải có hóa đơn chứng từ mới được vận chuyển trên tàu (theo Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP), vì vậy Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc các quy định này.
Ông Trần Văn Xuấn cũng bày tỏ quan ngại, trong số hàng chục loại hàng hóa vi phạm nhiều khả năng có chứa hàng cấm như thuốc nổ, vũ khí, ma túy. Do vậy, ngành Đường sắt cần trang bị thêm máy soi phục vụ kiểm tra hàng hóa đảm bảo an ninh, an toàn, nhất là các tuyến tàu khách.