Bao giờ Hà Nội mới hết nhà "siêu mỏng, siêu méo"?
Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, ngoài những trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại từ nhiều năm trước chưa được xử lý dứt điểm thì nay lại mọc lên không ít các ngôi nhà mới.
Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nhiều tuyến đường theo quy hoạch đi qua các khu dân cư bị cắt xén do giải phóng mặt bằng phát sinh các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (gọi tắt là siêu mỏng, siêu méo).
Ngoài những trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại từ nhiều năm trước chưa được xử lý dứt điểm thì nay lại mọc lên không ít các ngôi nhà mỏng và méo hơn ở các tuyến đường mới mở.
Điều này đặt ra vấn đề đến khi nào Hà Nội mới hết nhà "siêu mỏng, siêu méo"?
Những hình thù kỳ quặc
Ghi nhận thực tế trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), một ngôi nhà mỏng dính chỉ mới vừa hoàn thành nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà xung quanh chắc chắn là một trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh thêm ngoài các trường hợp chưa được xử lý.
Hay ở tuyến đường giao giữa Phạm Văn Đồng và Trần Cung, một ngôi nhà méo mó khác đang trong quá trình hoàn thiện. Chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy ngôi nhà này được thiết kế với hình tam giác tù thật đặc biệt.
Chị Văn Thị Hồng Thu, một người dân đang sinh sống tại đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) cho biết: “Có phải chúng tôi muốn xây những ngôi nhà mỏng manh, méo mó như thế này đâu mà vì đất còn lại có thế, muốn xây rộng hơn cũng không được. Không xây thì không có chỗ ở phải đi thuê nhà. Thôi thì méo mó có còn hơn không.”
Suy nghĩ trên của chị Thu cũng chính là câu trả lời cho những ngôi nhà méo mó với hình dạng lạ lùng xuất hiện rất nhiều trên tuyến đường Phạm Văn Đồng và Mai Dịch-cầu Thăng Long sau khi mở đường vành đai 3.
Hầu hết những gia đình đang sinh sống ở ven đường đều còn lại diện tích đất rất nhỏ, không đủ để có thể xây dựng lại một ngôi nhà rộng rãi như trước.
Đáng chú ý, có ngôi nhà ở tuyến phố Giang Văn Minh (quận Ba Đình), mặc dù rất méo mó, chắp vá, nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay. Chỉ với mặt tiền rất nhỏ bé, ngôi nhà này có thể tách ra được mấy địa điểm kinh doanh.
Tương tự, mặc dù bị “chèn ép” giữa các ngôi nhà lớn, nhưng những ngôi nhà “siêu mỏng” ở đường Cầu Giấy vẫn tồn tại cùng năm tháng bởi tấm biển kinh doanh đã bị bạc màu theo thời gian, khung sắt cũng han gỉ hết.
Một điều đặc biệt là có nhiều ngôi nhà chủ nhà không xây để ở mà chỉ cho thuê mặt bằng làm văn phòng. Có lẽ cũng đúng vì ngôi nhà quá mỏng chỉ có thể đủ kê bộ bàn ghế nhỏ làm văn phòng, không thể ở được.
Thậm chí, một ngôi nhà nằm trên đường Láng (quận Đống Đa) vừa mỏng lại được xây dựng góc cạnh nên tầng 1 cũng chỉ vừa đủ kê một quầy thuốc nhỏ.
Một đặc điểm chung của những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” này là cao, nhiều tầng. Người ta vẫn nói “móng có chắc thì nhà mới bền,” vậy móng mỏng manh trên một diện tích nhỏ, trong khi nhà lại cao vút thì liệu có an toàn?
Theo người dân xung quanh thì những ngôi nhà “siêu mỏng” này “chắc chỉ dùng để chứa đồ.” Nhìn vào mặt trước thì có thể thấy ngôi nhà cũng khá đẹp và khang trang, nhưng nhìn lại ở góc nghiêng thì đúng là mỏng manh đến đáng sợ. Những chiếc cành của một cái cây nhỏ cũng đủ che khuất hết cả mặt tiền của một ngôi nhà cho thấy nó nhỏ và mỏng đến nhường nào.
Khó khăn trong hợp thửa, hợp khối
Mới đây, tại Phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành về xử lý nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo" về cơ bản đã đủ điều kiện để các quận, huyện tổ chức thực hiện.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có công trình "siêu mỏng siêu méo" phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố về việc chậm xử lý dứt điểm các trường hợp này.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, để xử lý các trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng trước năm 2005, tính từ năm 2012 đến hết năm 2016, các địa phương đã tập trung xử lý dứt điểm được 465/597 trường hợp; đến tháng 3/2019 xử lý thêm 27 trường hợp.
Đối với các trường hợp hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới (từ 2010-2017), cho đến nay các quận, huyện cũng xử lý được 169/211 trường hợp.
Điều đáng nói là bên cạnh việc chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng thì năm 2018 trên địa bàn thành phố tiếp tục phát sinh 21 trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” (Bắc Từ Liêm 4 trường hợp, Cầu Giấy 6 trường hợp, Tây Hồ 9 trường hợp, Thanh Trì 1 trường hợp, Hoàng Mai 1 trường hợp).
Hiện các trường hợp phát sinh này được Ủy ban Nhân dân các quận quản lý chặt chẽ không để diễn ra hoạt động xây dựng, đồng thời lên phương án xử lý.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tiến độ xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” của Hà Nội còn chậm, các quận, huyện cho biết, việc tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối thực tế rất khó khăn.
Về giá đất khi mua bán khó thống nhất. Nhiều trường hợp các hộ xung quanh công trình "siêu mỏng, siêu méo" đã ổn định công trình không có nhu cầu mua hợp thửa; nhiều trường hợp không đủ điều kiện về tài chính để mua.
Nhiều công trình được hình thành, nhân dân đã ở ổn định trước ngày 15/3/2005 (thời điểm Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Điều 121, Luật Xây dựng 2003 có hiệu lực).
Phần lớn các công trình "siêu mỏng, siêu méo" còn tồn đọng nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng khi thực hiện mở đường (trước năm 2005).
Bên cạnh những tồn tại, hạn chế trên, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ việc chính quyền địa phương và các chủ đầu tư xây dựng tuyến đường chưa quyết liệt thực hiện thu hồi đất ngoài chỉ giới sau khi hết thời gian hợp thửa, hợp khối.
Do vậy, thời gian tới, Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp đất”siêu mỏng, siêu méo.”
Đặc biệt, các đơn vị liên quan phải kịp thời bố trí đủ kinh phí cho việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất ngoài chỉ giới các trường hợp thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng và thực hiện phương án thiết kế chỉnh trang kiến trúc.
Đối với các dự án mở đường theo quy hoạch, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các chủ đầu tư phải phối hợp với các quận, huyện khảo sát các thửa đất ngoài chỉ giới không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (hạn chế tối đa việc cắt xén phát sinh công trình “siêu mỏng, siêu méo”), đề xuất đủ kinh phí trong tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện thu hồi.
Có thể thấy, những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” mặc dù đã được xử lý, nhưng vẫn chưa dứt điểm mà còn tiếp tục phát sinh. Điều này không chỉ gây mất an toàn xây dựng mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đặc biệt, các hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà như vậy cũng kéo theo sự mất an toàn.
Nhiều tuyến phố sau khi mở đường, nhà hai bên đường bị phá nham nhở, ngổn ngang vật liệu xây dựng, bụi bặm kéo dài triền miên tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Nhiều dự án vẫn bị “treo” khiến chất lượng các công trình xây dựng giảm sút.
Nếu tình trạng này vẫn xuất hiện thì việc các ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở Hà Nội phát sinh là điều không thể tránh khỏi. Liệu Hà Nội có hết được tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.