Bao giờ ông Putin buông tay?
(Tài chính) Những rắc rối mà Nga đang gặp phải mang tính cấu trúc hơn là chu kỳ. Để vực dậy nền kinh tế, điều Nga cần đến trước tiên là ổn định chính trị và ông Putin sẽ không mạo hiểm.
Đúng là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây ở Ukraine sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, đây là mối quan hệ hai chiều và không phải phương Tây không phải gánh chịu hậu quả. Điều đáng chú ý ở đây là tình hình hiện tại của kinh tế Nga cũng giúp giải thích tại sao đất nước này lại dễ dàng bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Vấn đề của Nga không phải là giá dầu. Giá “vàng đen” đang ở mức cao và vốn đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế Nga trong suốt 1 thập kỷ qua. Thay vào đó, vấn đề là khủng hoảng Ukraine xảy ra trong thời điểm tăng trưởng kinh tế Nga phụ thuộc nặng nề hơn bao giờ hết vào những khoản đầu tư công nghiệp thâm dụng quá nhiều vốn.
Những rắc rối mà Nga đang gặp phải mang tính cấu trúc hơn là chu kỳ, kể cả khi những nhân tố mang tính chu kỳ (như khủng hoảng và trì trệ ở eurozone – đối tác thương mại lớn nhất của Nga) “đổ thêm dầu vào lửa”. Tuy nhiên, khủng hoảng châu Âu ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Ukraine hơn là Nga.
Nga cần một cách tiếp cận mới nếu muốn đạt được thậm chí là một phần nhỏ tốc độ tăng trưởng trong suốt thập kỷ qua (trung bình khoảng 5%/năm). Cách tiếp cận ấy trái ngược hoàn toàn với con đường mà Trung Quốc đang hướng tới. Nga cần giảm chi tiêu và biến đầu tư thành cỗ máy tăng trưởng chính.
Với thị trường lao động quá gò bó (thất nghiệp quá thấp, không có đủ lao động), nỗ lực kích cầu tiêu dùng sẽ chỉ dẫn đến nhập khẩu nhiều hơn và lạm phát tăng lên. Để quay trở lại tăng trưởng bền vững, Nga cần đẩy mạnh những khoản đầu tư giúp nâng cao năng suất lao động.
Có hai điều kiện quan trọng nhất để thu hút những khoản đầu tư này. Thứ nhất, Nga phải có một vài năm hạ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Các công ty cần được bảo vệ trước những quy trình thủ tục dễ nảy sinh tình trạng quan liêu tham nhũng. Thứ hai, chính phủ phải duy trì được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và nền tảng chính trị vững chắc. Rõ ràng là phản ứng của Moscow đối với cuộc cách mạng ở Ukraine đã phá vỡ nền tảng này.
Lâu nay, vì các tỷ phú Nga luôn muốn cất giấu tài sản ở nước ngoài, Nga vẫn phải chứng kiến dòng vốn ồ ạt chảy ra nước ngoài. Tuy nhiên, cùng lúc đó Nga vẫn nhận được dòng vốn FDI dồi dào (đóng góp khoảng 3 – 4% GDP kể từ năm 2010).
Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng xu hướng dòng vốn chảy ra và chảy vào Nga không quá khó hiểu. Dòng vốn chảy ra khỏi Nga bởi các chủ doanh nghiệp nội địa không nhìn thấy những cơ hội kinh doanh đủ hấp dẫn.
Tuy nhiên, những người nước ngoài lại nhìn Nga dưới con mắt hoàn toàn khác. Họ không tìm những cơ hội ngắn hạn mà tìm những khoản đầu tư chiến lược đem lại hiệu suất cao trong dài hạn. Sự can thiệp quá sâu của chính phủ vào nền kinh tế cũng đồng nghĩa với nhiều thị trường vẫn chưa được khai thác.
Đây là quy luật diễn ra cách đây chỉ 6 tháng ngắn ngủi. Xung đột chính trị với phương Tây và sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea đã phá vỡ quy luật ấy. Lợi nhuận mà các doanh nghiệp thu được sẽ giảm xuống vì tăng trưởng giảm tốc và đồng rouble suy yếu. Đầu tư vốn cố định đang sụt giảm. Lệnh cấm vận của phương Tây tạo nên những rủi ro mới.
Trong bối cảnh ấy, châu Á trở thành cứu cánh của Nga với một lượng khách hàng dồi dào. Gazprom đang chờ đợi thỏa thuận cho phép xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc, mặc dù tình hình hiện nay có thể khiến Nga lép vế trên bàn đàm phán.
Tổng thống Vladimir Putin vẫn còn những chiêu trò để tung ra. Ví dụ, Nga có thể đổi một phần đảo Kurile lấy những khoản đầu tư vào miền Đông nước này từ Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này không thể thay thế hoàn toàn khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
Sự phụ thuộc nặng nề của Nga vào nguồn vốn dài hạn đến từ bên ngoài giải thích tại sao nền kinh tế Nga lún sâu hơn bất kỳ cường quốc xuất khẩu dầu mỏ nào trên thế giới. Tổng thống Putin chắc chắn hiểu được điều này và do đó sẽ không có gì lạ nếu ông sớm nỗ lực sửa chữa mối quan hệ với Mỹ cũng như châu Âu.