Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Công cụ quản lý nhân văn của các quốc gia
Hiện nay, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới cũng như tại Việt Nam, trở thành công cụ quản lý nhân văn, hiệu quả và mang lại lợi ích cho xã hội.
Kinh nghiệm một số quốc gia
Tai nạn giao thông luôn là hiểm họa, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, nhiều vụ việc chủ xe gây tai nạn bỏ trốn dẫn đến việc giải quyết bồi thường khó khăn, lợi ích của người bị nạn không được bảo đảm, gây ảnh hưởng tiêu cực trong dư luận xã hội.
Do vậy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã ra đời và được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm giảm thiểu thiệt hại do xe cơ giới gây ra. Đây là công cụ quản lý xã hội nhân đạo, nhân văn của các quốc gia văn minh. Vì vậy, loại hình bảo hiểm này được quy định bắt buộc ở hầu hết các quốc gia cho phép sử dụng xe cơ giới trên thế giới.
Tại Nhật Bản, để đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, Luật Đảm bảo trách nhiệm chủ xe cơ giới được ban hành vào năm 1955 có hiệu lực vào tháng 2/1956 đã quy định, tất cả chủ xe ô tô phải có trách nhiệm với các vụ tai nạn gây tử vong hoặc thương tật đối với bên thứ ba. Luật này cũng bắt buộc người sử dụng ô tô mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự để đảm bảo bồi thường khi xảy ra tai nạn. Nhờ đó, bảo hiểm xe cơ giới đã góp phần đáng kể trong việc bồi thường thiệt hại, chia sẻ thiệt hại đối với bên thứ ba, được xem như “lấy của nhiều người chia sẻ cho số ít người bị rủi ro”. Với phương châm đó, bảo hiểm xe cơ giới tại Nhật Bản hay các nước trên thế giới ngày càng phát triển và thể hiện được tiến bộ xã hội.
Tại Anh, theo quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, khi tai nạn xảy ra, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm trả thay toàn bộ chi phí thiệt hại về người và tài sản gây ra cho bên thứ ba.
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền nhận lại từ chủ xe các chi phí đã trả nếu nguyên nhân gây tai nạn thuộc vào các trường hợp bị loại trừ. Công ty bảo hiểm sẽ đánh giá rủi ro bảo hiểm, xem xét khả năng người mua và chi phí phải trả nếu bồi thường. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ xem lại lịch sử đi xe của chủ xe, kích thước và công suất của xe, tuổi tác, nơi sống của chủ xe cùng những yếu tố khác.
Một quốc gia khác đã triển khai hiệu quả loại hình bảo hiểm này là Thái Lan. Quốc gia này quy định mức bảo hiểm tối thiểu của xe cơ giới là loại bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc trách nhiệm với bên thứ ba. Luật không yêu cầu mua bảo hiểm để chi trả mọi thiệt hại cho xe.
Tuy nhiên, nếu mua xe mới, chủ xe cần xem xét mua bảo hiểm toàn diện, bao gồm mọi thiệt hại hoặc sự cố do chủ xe gây ra. Các khoản chi trả thiệt hại cũng được tính khi tai nạn do bên khác gây ra mà không có bảo hiểm hoặc điều kiện tài chính để bồi thường. Trong trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn, điều kiện bảo hiểm sẽ tự động áp dụng 2.000 baht cho người bị hại khi yêu cầu bồi thường.
Thực tiễn tại Việt Nam
Đối với Việt Nam, từ năm 1988, Chính phủ đã quy định loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bảo hiểm bắt buộc và lần lượt ban hành Nghị định số 30/HĐBT ngày 10/3/1988, Nghị định số 115/1997/NĐ-CP ngày 17/12/1997 để quy định cụ thể. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng được quy định là một trong số các loại hình bảo hiểm bắt buộc tại Điều 8 Luật kinh doanh bảo hiểm. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Nghị định số 103/2008/NĐ-CP quy định, chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy tắc, điều khoản, biểu phí do Bộ Tài chính quy định.
Theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính, đối với xe máy, chi phí mua bảo hiểm là 50.000 đồng hoặc 60.000 đồng tùy loại xe. Trong các vụ tai nạn do xe máy gây ra, số tiền chi trả bảo hiểm có thể lên đến 150 triệu đồng, bao gồm thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng/vụ tai nạn. Nếu tai nạn gây tử vong cho 2-3 người ngồi trên xe của bên thứ ba thì tất cả nạn nhân đều được chi trả 100 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, tỷ lệ xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 30% trong tổng số gần 60 triệu xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ tham gia bảo hiểm với xe ô tô lên đến 90% (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).
Tỷ lệ xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 30% trong tổng số gần 60 triệu xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ tham gia bảo hiểm với xe ô tô lên đến 90% (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).
Để tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe; tăng tính chủ động và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường; mở rộng phạm vi và mức chi hỗ trợ bồi thường nhân đạo từ Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới...
Bên cạnh các quy định nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm, dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, các cơ quan liên quan trong công tác phòng chống, gian lận bảo hiểm. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và bố trí nhân sự kiểm soát thực hiện các quy chế, quy trình về hoạt động nghiệp vụ, kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ và phòng, chống gian lận bảo hiểm.
Từ thực tiễn cho thấy, sự ra đời của bảo hiểm xe cơ giới là cần thiết, khách quan và cần tiếp tục được áp dụng rộng rãi hơn nữa. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về lợi ích cũng như quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới để người dân tham gia, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của chính mình.