Bảo hiểm du lịch - “Tấm vé an toàn” bị thờ ơ
Du lịch ở Việt Nam đang phát triển, nhưng vấn đề mua bảo hiểm du lịch vẫn còn bị xem nhẹ ngay cả với du khách và cả công ty tổ chức tour. Theo nghiên cứu của các công ty bảo hiểm, hiện nay chỉ có khoảng 30% người Việt mua bảo hiểm du lịch. 70% còn lại không mua bảo hiểm du lịch vì nhiều lí do khác nhau trong đó có việc không nhận thấy quyền lợi hoặc tiết kiệm chi phí chuyến đi...
Thiệt thòi khi gặp rủi ro
Mùa du lịch hè đang khởi động. Nhiều khách hàng quan tâm đến việc “săn” tour giá rẻ nhưng lại khá thờ ơ với việc mua bảo hiểm du lịch. Vấn đề bảo hiểm du lịch vốn được coi là hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của du khách, song khách du lịch Việt Nam coi thường hoặc không có kinh nghiệm đòi hỏi về bảo hiểm. Họ chỉ coi trọng giá tour hợp lý, vừa túi tiền.
Anh Hoa Thanh Tân - một du khách cho hay: “Có dịp đi nhiều nơi du lịch, nhưng tôi chưa bao giờ quan tâm bảo hiểm du lịch như thế nào trong gói tour đó. Đơn giản, tôi chỉ quan tâm gói tour có rẻ hay không mà thôi. Tour càng khuyến mãi càng tốt”. Trong khi đó, không ít trường hợp các công ty tổ chức du lịch khi thấy khách không có yêu cầu đòi hỏi về vấn đề bảo hiểm, thường né tránh để giảm bớt một phần chi phí.
Hiểu rõ tầm quan trọng của bảo hiểm du lịch, trong năm 2017, Nhà nước quy định các công ty lữ hành phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cho khách trong thời gian thực hiện chương trình du lịch. Hiện nay có khá nhiều loại hình bảo hiểm du lịch, cụ thể như: Bảo hiểm khách du lịch trong nước, bảo hiểm người Việt Nam du lịch nước ngoài, bảo hiểm người nước ngoài du lịch Việt Nam, bảo hiểm du lịch nhóm, bảo hiểm cho người mang thẻ tín dụng…
Theo quy định của Luật Du lịch, tất cả các chuyến du lịch nước ngoài thông qua tổ chức du lịch đều bắt buộc phải có bảo hiểm du lịch toàn cầu trong suốt chuyến đi. Đối với cá nhân hoặc tổ chức tự đi du lịch thì không bắt buộc mà theo quy định của từng quốc gia đến. Vì vậy vẫn còn nhiều khách đi theo nhóm và gia đình thường không mua bảo hiểm du lịch.
Được mấy ngày nghỉ, gia đình chị Minh Khánh (Giảng Võ, Hà Nội) đã quyết định đi Thái Lan chơi một chuyến 4 ngày. Rủ mấy gia đình bạn thân đi, chị tự tổ chức đi du lịch mà không qua công ty lữ hành và đương nhiên không mua bảo hiểm du lịch.
Vừa tới Bangkok, con trai 11 tuổi của chị ôm bụng kêu đau dữ dội. Uống thuốc không khỏi, cả gia đình đành phải bỏ dở chuyến đi đưa con vào bệnh viện thành phố thì phát hiện con chị bị viêm ruột thừa phải mổ. Chi phí ca mổ này tốn hết gần 1.000 USD. Số tiền quá lớn, chị thấy hối hận khi tự đi du lịch mà không mua bảo hiểm du lịch.
Cũng gặp rủi ro đi du lịch như chị Minh Khánh là anh Huy Hoàng (Thanh Trì, Hà Nội). Trong một lần đi Hạ Long cuối tháng 4 vừa rồi, đến gần đảo Titop, anh Huy Hoàng và một số người không may trượt chân ngã từ ca nô xuống nước.
Cũng may nước nông nên anh và các bạn thoát chết nhưng toàn bộ hành lý, máy ảnh, điện thoại di động, camera… của đoàn bị ướt và hỏng hết, tổng thiệt hại gần 40 triệu đồng. Khi hỏi đã mua bảo hiểm du lịch chưa, anh Hoàng mới ngớ người vì không được tư vấn nên đoàn anh không biết để mua. Đến khi sự cố xảy ra, công ty lữ hành không chịu tránh nhiệm. Sự thiệt thòi lại thuộc về du khách.
Có du khách mua nhưng, đa phần người dân còn phó mặc bảo hiểm du lịch cho các công ty lữ hành, không quan tâm trong đó có những hạng mục gì. Một số doanh nghiệp lợi dụng sự ít quan tâm này để mua bảo hiểm giá rẻ, mức đền bù thấp, gây bất lợi cho du khách. Và trường hợp xấu ảnh hưởng đến tính mạng, du khách cũng không được bồi thường ở mức cao nhất.
Một số công ty bảo hiểm du lịch quảng cáo có đơn vị cứu trợ nhưng khi khách du lịch bị nạn, gọi vào số hotline của dịch vụ cứu trợ thì hotline trả lời không biết khách là ai vì công ty bảo hiểm không kê khai tên khách cho hãng cứu trợ biết. Cũng có trường hợp khách phải đợi các hãng cứu trợ xác minh lòng vòng với các công ty bảo hiểm, kết quả là khách bị bỏ rơi và phải tự bỏ tiền túi ra điều trị chứ không thể đợi đơn vị cứu trợ bảo lãnh thanh toán được.
“Tấm vé an toàn” cho những chuyến đi
Trong khi du khách quốc tế đều coi bảo hiểm du lịch là giấy tờ quan trọng thứ hai sau hộ chiếu. Do đó, sau khi quyết định mua tour, họ thường tìm hiểu cặn kẽ về giá trị bảo hiểm cũng như những quyền lợi được hưởng nếu chẳng may sự cố xảy ra. Trong khi đó, đa số khách hàng Việt Nam mua bảo hiểm chỉ để... cho có.
Thật ra mức phí đóng bảo hiểm du lịch không đáng bao nhiêu so với giá thành tour. Khách hàng khi tham gia chỉ đóng phí bảo hiểm khoảng 2000-3.000 đồng/ngày với tour nội địa và 1,5-2 USD/ngày với tour đi nước ngoài. Phí bảo hiểm du lịch được gói vào trong phí tour tạo ra giá thành cố định.
Phạm vi của bảo hiểm du lịch trong nước là bảo hiểm cho những thương tật, tàn tật, tử vong do tai nạn hoặc ốm đau, bệnh tật bất ngờ trong chuyến đi du lịch của du khách với hạn mức trách nhiệm bảo hiểm cao nhất là 10 triệu đồng cho mỗi trường hợp. Bên cạnh đó, số tiền bảo hiểm du lịch trong nước sẽ có định mức từ 1 triệu – 100 triệu. Và mức phí bảo hiểm sẽ thay đổi tương ứng với mức giá trị bảo hiểm mà khách hàng đã lựa chọn.
Quyền lợi được bảo hiểm có quy định rõ ràng, dễ hiểu. Du khách được chăm sóc y tế, đặc biệt có lợi khi đi nước ngoài hoặc gặp phải những vấn đề nằm ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế. Trong trường hợp ở nước ngoài, bảo hiểm du lịch sẽ hỗ trợ các chi phí điều trị, chi phí vận chuyển y tế, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp, kể cả chi phí điều trị khi trở về Việt Nam.
Ngoài những quyền lợi thông thường thì còn có thêm các quyền lợi mới như: Bồi thường gấp đôi số tiền bảo hiểm khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng; trợ cấp nằm viện; trợ cấp học phí cho trẻ phụ thuộc; thiệt hại hành lý, tư trang; hỗ trợ du lịch toàn cầu; hành lý bị trì hoãn; mất giấy tờ thông hành; cắt ngắn hay hủy bỏ chuyến đi; lỡ nối chuyến; hỗ trợ tổn thất tư gia vì hỏa hoạn; bảo hiểm trong trường hợp bị khủng bố…
Hiện nay, một số công ty lữ hành tung ra nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt cho khách đi tour nước ngoài với quà tặng miễn phí toàn bộ phí bảo hiểm du lịch. Một số công ty có gói bảo hiểm với hạn mức bảo hiểm rất cao, trong khi gói bảo hiểm của một vài công ty khác bảo hiểm các hoạt động mạo hiểm như lặn có bình dưỡng khí hay nhảy bungee… nhằm thu hút khách du lịch, đẩy mạnh uy tín, thương hiệu của công ty.
Theo đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam: “Bảo hiểm du lịch là quyền lợi trực tiếp của khách hàng và nó cũng tránh cho các doanh nghiệp làm du lịch rất nhiều vấn đề khi có các rủi ro xảy đến với du khách. Trong trường hợp khách hàng từ chối mua bảo hiểm, người làm du lịch nên có trách nhiệm tư vấn cho khách hàng vì việc mua bảo hiểm sẽ tạo cho khách một cảm giác yên tâm trong suốt chuyến đi”.
Đã có trường hợp do khách hàng không tìm hiểu kỹ đã mua nhầm bảo hiểm thân nhân thay vì mua bảo hiểm du lịch khi đi du lịch nước ngoài. Ở bảo hiểm du lịch có bao gồm bồi thường các loại bệnh tật, tài sản nhưng bảo hiểm thân nhân thì không, vì thế khách hàng cần lưu ý khi chọn lựa mua. Tốt nhất, du khách nên mua tour đã bao gồm bảo hiểm du lịch với sự tư vấn của hãng lữ hành để có tour an toàn nhất.
Với những khách hàng di chuyển thường xuyên, cần xem bảo hiểm du lịch như giấy thông hành quan trọng thứ hai sau hộ chiếu. Phải xác định mua bảo hiểm là quyền lợi bản thân, chứ không phải vì bị bắt buộc. Du khách cần đặt ra giả thuyết: “Nếu xảy ra trường hợp này thì công ty bảo hiểm sẽ xử lý như thế nào?”.
Mua bảo hiểm du lịch, du khách sẽ có được sự an tâm, đổi lấy những rủi ro không chắc chắn sẽ xảy ra thông qua việc đền bù. Việc mua bảo hiểm du lịch góp phần giúp du khách có được sự yên tâm để thoải mái tận hưởng chuyến đi của mình.