Bảo hiểm giúp phân tán rủi ro và bảo vệ tài chính các bên tham gia

Hoàng Minh

Tham gia bảo hiểm giúp cá nhân, doanh nghiệp giảm thiểu gánh nặng tài chính trước các rủi ro ngoài ý muốn, từ đó hạn chế hậu quả xấu lên nền kinh tế chung.

Giảm thiểu tác động tiêu cực

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, cũng như biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, vấn đề quản trị rủi ro ngày càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh đó, bảo hiểm phi nhân thọ nổi lên như một công cụ quan trọng, không chỉ giúp giảm thiểu tổn thất trước những biến động khó lường, mà còn đóng góp tích cực vào việc ổn định kinh tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm sức khỏe, và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển… đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vượt qua khó khăn khi xảy ra sự cố. Khi người dân và doanh nghiệp được bảo vệ trước rủi ro bất ngờ – như thiên tai, tai nạn hay gián đoạn chuỗi cung ứng – năng lực phục hồi kinh tế sẽ được cải thiện rõ rệt. Đồng thời, nhờ cơ chế bảo hiểm, những tổn thất kinh tế không chỉ được phân tán mà còn “chuyển giao” một cách có kiểm soát, giúp giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, cho ngân hàng và cho toàn xã hội.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trao quà, chia sẻ khó khăn cùng người dân bị ảnh hưởng bão số 3 (Yagi).
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trao quà, chia sẻ khó khăn cùng người dân bị ảnh hưởng bão số 3 (Yagi).

Một ví dụ rõ nhất là bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến ngày 7/10, ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra lên tới khoảng 11.627 tỷ đồng. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đang tiến hành rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng bị ảnh hưởng, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Điều này vừa giảm bớt khó khăn và giúp người dân và doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sinh hoạt, sản xuất; vừa giảm áp lực nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.

Nguồn vốn quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, không chỉ là công cụ bảo vệ mà nguồn vốn nhàn rỗi từ phí bảo hiểm được đầu tư trở lại nền kinh tế, góp phần tạo ra nhiều việc làm và gia tăng hiệu quả sử dụng vốn.

“Khi các công ty bảo hiểm thu phí từ người tham gia, họ tích lũy nguồn quỹ khổng lồ và có thể tái đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nhờ đó, bảo hiểm góp phần cung cấp vốn cho các dự án phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và các hoạt động sản xuất – kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng”, ông Hiếu cho biết.

Ngoài ra, bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo. Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ mới. Nhờ có bảo hiểm, họ có thể yên tâm hơn khi thử nghiệm những công nghệ tiên tiến, sáng tạo và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới mà không lo ngại về những tổn thất quá lớn nếu có sự cố xảy ra. Chính yếu tố này là động lực để thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường khắc phục thiệt hãi bão số 3.
Doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường khắc phục thiệt hãi bão số 3.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành Bảo hiểm có vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội và là nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Các công ty bảo hiểm, thông qua việc tái đầu tư quỹ bảo hiểm, tạo ra một cầu nối quan trọng giữa thị trường vốn và hệ thống tài chính. Họ là những nhà đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực chiến lược như cổ phiếu, trái phiếu, và bất động sản. Điều này không chỉ giúp gia tăng thanh khoản cho thị trường tài chính mà còn tạo sự ổn định và bền vững cho hệ thống tài chính của quốc gia.

“Bảo hiểm thường được ví như chiếc lan can. Nghĩa là, dù cầu thang không có lan can thì chúng ta vẫn bước lên cao nhưng nếu có lan can thì rõ ràng sẽ an toàn và an tâm hơn”, ông Tuấn chia sẻ

Tuy nhiên, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, lợi ích của bảo hiểm trong đối với nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Tâm lý "mua bảo hiểm khi cần" hoặc chỉ khi bị bắt buộc làm cho việc mở rộng thị trường bảo hiểm trở nên khó khăn.

 

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đặt ra là có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 và con số này tăng lên 18% vào năm 2030; phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng. Cụ thể, Chiến lược đặt mục tiêu doanh thu ngành Bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, quy mô đạt 3-3,3% GDP. Ngoài ra, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3-3,5% GDP...