“Người dân hiểu về bảo hiểm tiền gửi, sẽ có niềm tin khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng”
Đó là khẳng định của ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng khi trao đổi với phóng viên một số nội dung liên quan đến vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng trên địa bàn Tỉnh.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua?
Ông Võ Văn Thanh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 57 đơn vị tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có 30 chi nhánh ngân hàng thương mại và 25 QTDND tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế của nước ta có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tương đối thấp. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng sự quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn, hoạt động của các TCTD tiếp tục duy trì ổn định và hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Số liệu tháng 9/2024 cho thấy, nguồn vốn huy động đạt trên 108.500 tỷ đồng, so với đầu năm tăng trên 7.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 8%), tổng dư nợ cho vay đạt gần 185.500 tỷ đồng, so với đầu năm tăng gần 4.800 tỷ đồng (tương đương mức tăng 4%).
Riêng hệ thống QTDND trên địa bàn có quy mô khá lớn với tổng huy động vốn đạt 12.250 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn; tổng dư nợ cho vay đạt 9.130 tỷ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ toàn địa bàn. Về quy mô tổng tài sản: Có 3 QTDND trên 1.000 tỷ đồng, 9 QTDND có tổng tài sản từ 500-1.000 tỷ đồng, 7 QTDND quy mô từ 200-500 tỷ đồng, có 6 QTDND từ dưới 200 tỷ đồng.
Hầu hết các QTDND trên địa bàn có lịch sử hoạt động lâu đời, được người dân tin tưởng, chính quyền địa phương quan tâm. Hoạt động của QTDND đã hỗ trợ rất nhiều cho thành viên và người dân tại địa phương có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phóng viên: Theo ông, chính sách BHTG có ý nghĩa như thế nào đối với sự an toàn, lành mạnh của hệ thống QTDND?
Ông Võ Văn Thanh: Có thể nói, chính sách BHTG có vai trò rất quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng; từ đó đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức từ khi ra đời đến nay đã có đóng góp tích cực đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các QTDND. Trong đó, chính sách BHTG bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền, công chúng đối với hệ thống ngân hàng nói chung, QTDND nói riêng; giúp họ yên tâm khi luôn có một tổ chức thay mặt Chính phủ, NHNN đứng ra đảm bảo chi trả tiền bảo hiểm nếu chẳng may xảy ra rủi ro tại tổ chức tham gia BHTG.
Đối với hệ thống QTDND, việc chính sách BHTG tạo dựng niềm tin cho người dân khi gửi tiền, từ đó giúp huy động được nguồn tiền gửi nhàn rỗi trong dân cư để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho người dân.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách BHTG, kiểm tra, giám sát các tổ chức tham gia BHTG, qua đó góp phần củng cố niềm tin và tạo tâm lý an tâm cho người dân khi gửi tiền vào hệ thống QTDND.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về công tác phối hợp giữa Chi nhánh BHTGVN với NHNN chi nhánh tỉnh Lâm Đồng trong giám sát, kiểm tra tổ chức tham gia BHTG, cũng như xử lý sự cố tại QTDND Phường II, TP. Bảo Lộc vừa qua?
Ông Võ Văn Thanh: Thời gian qua, Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng trong quá trình triển khai các hoạt động nghiệp vụ; đặc biệt là thực hiện Quy chế phối hợp và trao đổi thông tin nhằm xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD trên địa bàn.
Cùng với hoạt động thanh tra giám sát của NHNN, công tác giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN được Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên triển khai tạo thành một kênh giám sát độc lập, từ đó góp phần kiểm soát rủi ro hoạt động các QTDND trên địa bàn một cách đầy đủ và toàn diện.
Đồng thời, việc tuyên truyền hiệu quả chính sách BHTG cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Quy chế phối hợp và trao đổi thông tin để giúp người dân yên tâm gửi tiền, góp phần tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2023 trước những tin đồn thất thiệt liên quan đến QTDND Phường 2, TP. Bảo Lộc, người dân đã đến rút tiền hàng loạt ảnh hưởng rất lớn đến an toàn hoạt động của không chỉ của QTDND Phường 2, mà còn tới tất cả các QTDND trên địa bàn.
Song, với sự vào cuộc quyết liệt của NHNN Chi nhánh tỉnh; sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền địa phương, lực lượng công an và các cơ quan truyền thông; cùng với sự phối hợp hiệu quả của Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tình hình bất ổn tại QTDND Phường 2 đã chấm dứt trong vòng một tuần, quỹ ngay sau đó đã trở lại hoạt động bình thường.
Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thông qua quá trình tư vấn trực tiếp cho người gửi tiền tại QTDND Phường II, Tổ Hỗ trợ của Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã tuyên truyền cho khách hàng gửi tiền hiểu rõ hơn về chính sách BHTG, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi gửi tiền, để từ đó khách hàng có niềm tin và yên tâm gửi tiền trở lại vào QTDND.
Phóng viên: Xin ông cho biết quan điểm của mình về tầm quan trọng của việc tuyên truyền chính sách BHTG?
Ông Võ Văn Thanh: Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng tại địa phương, tôi cho rằng chính sách BHTG đã và luôn tích cực đồng hành cùng các TCTD trong quá trình hoạt động thời gian qua.
Trong đó, tuyên truyền chính sách BHTG là một nghiệp vụ quan trọng được quy định tại Luật BHTG và cũng là một phần không thể thiếu nhằm phát huy hiệu quả của chính sách, bởi người dân có biết, có hiểu thì mới nhận thức rõ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ như thế nào; từ đó sẽ có niềm tin khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Phóng viên: Ông có góp ý gì cho hoạt động tuyên truyền của BHTGVN trong thời gian tới?
Ông Võ Văn Thanh: Trong thời gian tới, BHTGVN nên đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, sử dụng hiệu quả các phương thức truyền thông số để thu hút được sự quan tâm của đông đảo các đối tượng người dân, đặc biệt là người gửi tiền ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách BHTG cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, với các ngân hàng cũng như QTDND để chính sách trở nên gần gũi hơn với người dân.
Đồng thời, chủ động tiếp thu, đón nhận những phản hồi của người dân. Đây cũng là vấn đề vô cùng quan trọng để BHTGVN ghi nhận được những ý kiến từ cơ sở, qua đó góp phần ngày càng hoàn thiện công tác tuyên truyền chính sách nói riêng, cũng như đề xuất NHNN để trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, đặc biệt là trong bối cảnh Luật Các TCTD năm 2024 đã có hiệu lực từ 01/7/2024 với nhiều nội dung nâng cao vai trò của BHTGVN trong tái cơ cấu các TCTD, trong đó có hệ thống QTDND.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!