Bảo hiểm hưu trí: của để dành!
(Tài chính) Không riêng các công ty bảo hiểm, mà cả các công ty quản lý quỹ đều tin tưởng thị trường bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam là rất màu mỡ. Tuy nhiên, đây không phải thị trường dễ tính có thể thâm nhập trong ngày một ngày hai.
Ưu đãi thuế quyết định
Bảo hiểm hưu trí đã được một vài doanh nghiệp triển khai hiện vẫn đang bán tốt cho các khách hàng doanh nghiệp có mối quan hệ đối tác. Bảo hiểm hưu trí cá nhân cũng được các khách hàng là chính nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm đón nhận.
Theo tổng hợp sơ bộ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2014, có 4 doanh nghiệp được phê chuẩn triển khai bảo hiểm hưu trí. Dự kiến, hết năm 2014, sẽ có 10.000 người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện với tổng doanh thu phí bảo hiểm là 160 tỷ đồng.
PVI Sunlife hay Dai-ichi life Việt Nam đang là những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh việc bán sản phẩm này và kết quả thu được dù còn khiêm tốn, nhưng đây là kết quả khá khả quan so với tình hình toàn thị trường bảo hiểm hưu trí còn khá trầm lắng.
Tiềm năng là thế, nhưng vì sao các doanh nghiệp bảo hiểm chưa thực sự mặn mà với việc phát triển sản phẩm này? Một chuyên gia trong ngành cho rằng, nói đúng ra là hiện tại thị trường Việt Nam vẫn chưa mặn mà đón nhận sản phẩm này, chứ không phải doanh nghiệp bảo hiểm không muốn triển khai đẩy mạnh.
Theo vị chuyên gia này, bảo hiểm hưu trí không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới chỉ được bán tốt khi các bên cùng tích cực tham gia (cụ thể là người lao động và người sử dụng lao động) và các cơ quan chức năng cũng cần tạo động lực để hai yếu tố quan trọng này vào cuộc. Kinh nghiệm từ những nước đã triển khai tốt sản phẩm bảo hiểm hưu trí còn cho thấy, để bảo hiểm hưu trí tự nguyện phát triển thì cần phải có những ưu đãi về chính sách thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân).
Ở Việt Nam, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa thực sự “đủ lớn”, đủ hấp dẫn để cả doanh nghiệp và cá nhân hào hứng tham gia.
“Nhiều nhận định cho rằng, thị trường này hấp dẫn, tuy nhiên nó chỉ thực sự hấp dẫn khi các cơ quan chức năng đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế như đã nói”, vị chuyên gia trên nhận định.
Theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí cho cán bộ công nhân viên, các khoản chi này sẽ được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ, nhưng mức tính cụ thể như nào vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Đối với cá nhân, nếu mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ không bị đánh thuế thu nhập cá nhân với mức 1 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định này không chỉ áp dụng riêng cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mà còn được áp dụng với một số loại hình bảo hiểm khác, nên thành ra mức khấu trừ này lại không còn hấp dẫn.
“Các doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho nhân viên hiện nay vì muốn tạo ra chính sách nhân sự tốt để giữ người tài, chứ không phải vì những ưu đãi thuế”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Trên thực tế, vấn đề ưu đãi thuế cho bảo hiểm hưu trí đã được các công ty bảo hiểm và cơ quan chức năng thảo luận nhiều lần. Tại nhiều hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, chính sách thuế là yếu tố có tính chất quyết định cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ. Các tham luận của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm hưu trí tự nguyện đến từ nhiều thị trường khác nhau cũng đã phân tích về việc nên ưu đãi thuế cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện trong giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, mức ưu đãi thuế vẫn được giữ nguyên như hiện tại. Vì thế, bảo hiểm hưu trí tự nguyện vẫn rất mờ nhạt trong một thị trường đầy tiềm năng.
Dù thực tế chưa như mong đợi, nhưng nhìn về tương lai, các chuyên gia trong ngành đều nhìn nhận, thị trường bảo hiểm hưu trí vô cùng tiềm năng.
“Theo số liệu thống kê chúng tôi có được, hiện có hơn 3,5 triệu cá nhân đang tham gia làm việc cho các công ty, vì vậy ,nhu cầu về bảo hiểm rất lớn. Dự báo, số lượng này sẽ tăng trưởng gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Giá trị của thị trường bảo hiểm hưu trí có thể lên tới 4.000 tỷ đồng vào năm 2018”, lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam chia sẻ, đồng thời cho rằng, hiện nay, điều mà các doanh nghiệp quan tâm hơn cả vẫn là những giải pháp bảo vệ thông qua bảo hiểm nhân thọ.
Chính vì vậy, đối với bảo hiểm hưu trí, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa triển khai vừa chờ đợi “thái độ” tích cực của thị trường mới có quyết định đẩy mạnh hay chỉ ở mức duy trì sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, bảo hiểm hưu trí vẫn tiếp tục được coi là “của để dành” của các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Được biết, trước những kiến nghị của doanh nghiệp và thực tế cuộc sống, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế TNDN và luật thuế TNCN và thông tư hướng dẫn; trong đó, có việc sửa đổi bổ sung Điều 7, Thông tư 111/2013/TT-BTC về căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công.
Cụ thể, các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp theo thực tế phát sinh, nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/tháng (36 triệu đồng/năm) đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ. Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện cấp. Mức đang được trừ hiện nay là 1 triệu đồng/tháng…
Ngoài ra, căn cứ tính thuế đối với tiền tích lũy mua bảo hiểm không bắt buộc, tiền tích lũy đóng quỹ hưu trí tự nguyện là khoản tiền phí tích luỹ mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích luỹ đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện, do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động và tỷ lệ khấu trừ... dự kiến cũng sẽ có những điều chỉnh cho hợp lý.
Để những quy định mới này đi vào thực thi, sẽ còn quãng thời gian phía trước, nhưng cả doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp có nhu cầu mua bảo hiểm hưu trí cho nhân viên đều hy vọng, khi nút thắt về thuế được tháo gỡ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ thực sự hấp dẫn và phát triển.