Bảo hiểm - Tầm ngắm của tội phạm rửa tiền

PV.

Hiện nay không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng là ''nóng'' đối với tội phạm rửa tiền mà chính lĩnh vực bảo hiểm cũng đang có nguy cơ cao đối với loại tội phạm này.

Theo một chuyên gia của Ernst & Young, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị lợi dụng làm phương tiện rửa tiền.
Theo một chuyên gia của Ernst & Young, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị lợi dụng làm phương tiện rửa tiền.

Nhận diện hành vi

Trong lĩnh vực bảo hiểm, những giao dịch đáng ngờ đó là việc khách hàng ủy quyền cho người không có quan hệ được thụ hưởng số tiền bảo hiểm, công ty bảo hiểm thường xuyên chi trả, đền bù số tiền lớn cho cùng một khách hàng...Đặc biệt hơn, hành vi rửa tiền nhắm tới các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Theo một chuyên gia của Ernst & Young, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị lợi dụng làm phương tiện rửa tiền thường nằm trong các trường hợp như phí bảo hiểm được đem đi đầu tư, các đơn bảo hiểm nhân thọ với một mức phí duy nhất có bản chất lưu giữ giá trị tiền mặt, bảo hiểm niên kim cố định. Ngoài ra, việc thay đổi đơn bảo hiểm được chuyển nhượng và dùng để thế chấp ngân hàng cũng có thể bị lợi dụng rửa tiền.

Một vấn đề nguy hiểm hơn trong lĩnh vực này đó là có dấu hiệu ‘’móc nối’’ của các đại lý bảo hiểm hoặc từ chính các công ty bảo hiểm. Dấu hiệu rửa tiền thông qua việc đòi bồi thường số tiền khổng lồ cho những vụ được dàn dựng. Ngoài ra còn có một số dấu hiệu đáng ngờ được cho là có hành vi rửa tiền bao gồm: cố ý gây hỏa hoạn, tìm cách đòi bồi thường nhằm thu hồi một phần số tiền bất hợp pháp đã đầu tư, hủy hợp đồng bảo hiểm để lấy lại phí bằng séc của công ty hoặc trả quá tiền phí bảo hiểm, sau đó yêu cầu trả lại số tiền đóng quá.

Giải pháp ngăn chặn

Đối với hành vi rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm cũng được luật hóa cụ thể thông qua Luật số 07/2012/QH13 về phòng, chống rửa tiền nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền. Luật có hiệu lực từ năm 2013.

Theo đó, những dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực bảo hiểm được quy định tại Khoản 4 Điều 22Luật Phòng, chống rửa tiền bao gồm: Khách hàng yêu cầu mua một hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn hoặc yêu cầu thanh toán trọn gói phí bảo hiểm một lần đối với các sản phẩm bảo hiểm không áp dụng hình thức thanh toán trọn gói, trong khi những hợp đồng bảo hiểm hiện tại của khách hàng chỉ có giá trị nhỏ và thanh toán định kỳ; Khách hàng yêu cầu ký kết hợp đồng bảo hiểm với khoản phí bảo hiểm định kỳ không phù hợp với thu nhập hiện tại của khách hàng hoặc yêu cầu mua hợp đồng bảo hiểm liên quan đến công việc kinh doanh nằm ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng; Người mua hợp đồng bảo hiểm và thanh toán từ tài khoản không phải là tài khoản của mình hoặc bằng các công cụ chuyển nhượng không ghi tên…

Trên cơ sở hành lang pháp lý của Luật về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố thì hiện nay hệ thống các công ty bảo hiểm trong nước và nước ngoài cũng đã đưa ra những khung hạn chế cụ thể phù hợp với hoạt động của từng công ty.

Đại diện một công ty bảo hiểm nước ngoài cho biết, hợp đồng có số phí đóng một lần khoảng 200 triệu đồng hoặc 10.000 USD trở lên sẽ bị đưa vào diện "điều tra ngầm".

Để ngăn chặn quá trình rửa tiền, theo các chuyên gia, những công ty bảo hiểm, đặc biệt mảng bảo hiểm nhân thọ cần kiểm soát nghiêm ngặt “đầu vào” trước khi cấp hợp đồng, nhất là với những hợp đồng bảo hiểm có số phí cao. Với những hợp đồng chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi bị hủy cũng nên bị đưa vào diện nghi vấn rửa tiền.

Theo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn ở Việt Nam chia sẻ, khả năng hợp đồng tồn tại trong thời gian ngắn thuộc đối tượng có nghi vấn rửa tiền là rất thấp. Thông thường, khách hàng hủy hợp đồng do bị tăng phí bảo hiểm sau khi có kết quả về khám sức khỏe. "Ở công ty, bất cứ hợp đồng bảo hiểm nào có số phí trên 200 triệu đồng đều được báo cáo về công ty mẹ và Bộ Tài chính theo quy định", vị đại diện trên cho biết.

Thực tế, ngoài quy định riêng của từng công ty bảo hiểm, các cơ quan chức năng cũng có những nội quy bắt buộc phải thực hiện đối với những hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn, phí đóng 400 triệu đồng trở lên. Tất cả những trường hợp trên đều phải báo cáo lên Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước để thẩm định kiểm tra.

Nếu cơ quan này nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền sẽ yêu cầu điều tra kỹ lưỡng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng quy định việc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ không được đóng một lần phí cao hơn 80% mệnh giá hợp đồng. Ngoài những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật, bản thân công ty cũng quy định, với tất cả sản phẩm bảo hiểm, khách hàng không đóng quá 5 lần phí tối thiểu. Hợp đồng có số phí đóng một lần khoảng 200 triệu đồng hoặc 10.000 USD trở lên sẽ phải đưa vào diện "điều tra ngầm".