Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động nước ngoài: Bình đẳng và phù hợp thông lệ quốc tế
Từ ngày 1/1/2018, người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mặc dù có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam vẫn tiếp tục bị trì hoãn cho đến khi ban hành nghị định chính thức của Chính phủ.
Tại diễn đàn doanh nghiệp mới đây, hiệp hội doanh nghiệp các nước đã bày tỏ sự lo ngại việc tăng lương tại Việt Nam sẽ dẫn đến việc áp dụng các loại thuế, phí cũng sẽ tăng theo.
Vì vậy, việc áp dụng BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam sẽ dẫn đến tăng chi phí lao động của các công ty nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp và làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư.
Phản ánh từ nhiều địa phương cũng cho biết, những lao động làm việc ở nước sở tại có cơ sở sản xuất hoặc tham gia thực hiện các dự án tại Việt Nam nên được cử sang làm việc, thi công ở Việt Nam phần lớn đã được tham gia BHXH ở nước sở tại. Cùng với đó, những rào cản về ngôn ngữ cũng là trở ngại về việc tham gia BHXH đối với người lao động nước ngoài.
Cụ thể, khi lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở các cơ sở y tế thì những cơ sở y tế này chưa hướng dẫn các mức hưởng bằng tiếng nước ngoài hoặc có cán bộ chuyên môn phụ trách đảm nhiệm. Trong khi người lao động nước ngoài đến từ nhiều quốc gia sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Người nước ngoài đăng ký khám chữa bệnh tại cơ sở quốc tế, chi phí rất lớn, vượt quá khả năng chi trả của quỹ BHXH. Hơn nữa quy định mức đóng BHXH ở nước ta được xây dựng đi từ cấp xã, phường nên khó có thể áp dụng với người nước ngoài.
Đồng thời, người lao động nước ngoài làm việc có thời gian không dài theo quy định để hưởng chế độ BHXH nên việc giải quyết thủ tục gặp khó khăn, bất cập trong việc kê khai khi lao động nghỉ chế độ thai sản...
Sớm tháo gỡ
Trước những ý kiến trên, đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ, TB - XH) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế thì việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết.
Theo đó, BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài đã được quy định cụ thể trong Luật BHXH 2014, nhằm bảo đảm bình đẳng, an sinh cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam; cũng như làm căn cứ trong các thỏa thuận song phương, đa phương để quyền lợi, chế độ BHXH của lao động nước ngoài tại các nước được thực hiện thống nhất, tương đồng...
“Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đóng một lần BHXH ở Việt Nam và khi sang nước khác, như Nhật Bản, vẫn phải đóng BHXH thêm một lần nữa vào quỹ hưu trí của họ. Quy định đóng BHXH bắt buộc không những không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp nước ngoài mà còn tạo ra sự bình đẳng giữa lao động trong và ngoài nước. Thay vì trả hết lương cho lao động nước ngoài, chủ sử dụng sẽ trích một phần trong đó để đóng BHXH và không làm thay đổi tổng quỹ lương của doanh nghiệp” - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ, TB - XH Trần Hải Nam nhấn mạnh.
Đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc tham gia BHXH cho lao động nước ngoài là cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay để bảo đảm quyền lợi cho người lao động cũng như doanh nghiệp.
Do đó để người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nước ngoài.
Đồng thời, các cơ quan BHXH cũng như cơ sở y tế cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là bộ phận làm việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài để tạo điều kiện cho lao động nước ngoài hưởng quyền lợi khi đã tham gia BHXH bắt buộc.
Theo Dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật BHXH, người lao động là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên sẽ phải đóng BHXH bắt buộc.
Các chế độ BHXH bắt buộc bao gồm: Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp - tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất. Tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định.
Hàng tháng, người lao động nước ngoài sẽ đóng BHXH với mức đóng 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người sử dụng lao động nước ngoài phải đóng tối đa bằng 18% tháng lương trả cho người lao động, gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; tối đa 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.