Nghị quyết số 28-NQ/TW: Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đảm bảo các yếu tố xã hội

Nguyễn Thọ (t/h)

Trước tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định “tăng tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động theo lộ trình” để đảm bảo các yếu tố xã hội và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giải pháp tối ưu cần nghiên cứu xem xét là tăng tuổi nghỉ hưu để giải quyết bài toán cân đối Quỹ BHXH.
Giải pháp tối ưu cần nghiên cứu xem xét là tăng tuổi nghỉ hưu để giải quyết bài toán cân đối Quỹ BHXH.

Bất cập trong quy định về độ tuổi nghỉ hưu và thời gian đóng BHXH

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ, nhưng trên thực tế, tuổi nghỉ hưu hiện nay ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định.

Thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 là 54,17 tuổi, trong đó tuổi nghỉ hưu của nam là 55,61 tuổi (thấp hơn gần 4,4 tuổi) và nữ là 52,56 tuổi (thấp hơn 2,44 tuổi) so với quy định.

Tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi đủ 60 đối với nam, đủ 55 đối với nữ chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định chiếm tỷ lệ trên 50% (nhiều người nghỉ hưu sớm so với quy định 10 tuổi, thời gian đóng BHXH ít thường chỉ đủ 20 năm nhưng thời gian hưởng lại khá dài, có trường hợp đóng 20 năm nhưng hưởng lương hưu tới hơn 40 năm).

Hiện nay, tuổi thọ bình quân ở Việt Nam là 74 tuổi, như vậy bình quân mỗi lao động sẽ có gần 20 năm hưởng lương hưu. Trong khi đó, theo quy định của chính sách hiện hành, số tiền đóng BHXH của mỗi người lao động chỉ đủ trả lương hưu cho chính người đó trong khoảng 8 năm, số thời gian còn lại khoảng 12 năm ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả.

Những giải pháp nhằm cân đối Quỹ BHXH

Quỹ BHXH của Việt Nam là quỹ tài chính dài hạn được hình thành chủ yếu từ đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước trong một số trường hợp, nhằm bảo đảm khả năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ theo quy định của pháp luật về BHXH.

Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ không bị phá sản, Nhà nước ban hành các chính sách nhằm bảo toàn tăng trưởng Quỹ BHXH. Khi Quỹ có nguy cơ mất cân đối, Nhà nước sẽ ban hành các chính sách nhằm bảo đảm tính bền vững của Quỹ. Việc thiết kế lại chính sách tại Luật BHXH sửa đổi năm 2014 với nhiều điều chỉnh về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng, tỷ lệ hưởng… là một trong những giải pháp nhằm phát triển Quỹ bền vững. Do đó, để Quỹ BHXH vận hành ổn định, bền vững cần đảm bảo cân đối tài chính theo hướng tăng khả năng cân đối quỹ (tăng mức đóng, giảm mức hưởng hoặc làm chậm thời gian hưởng).

Trên cơ sở phân tích các yếu tố trên có thể thấy, giải pháp tối ưu cần nghiên cứu xem xét là tăng tuổi nghỉ hưu để giải quyết bài toán cân đối Quỹ BHXH. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề  xuất phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo 2 xu hướng: Một là, giữ nguyên việc điều chỉnh hạ thấp tuổi nghỉ hưu đối với người lao động ở một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, do ảnh hưởng của môi trường làm việc sức khỏe bị giảm sút, không đảm bảo được công việc nếu kéo dài thời gian làm việc đến ngưỡng tuổi nghỉ hưu thông thường;  Hai là, tăng tuổi nghỉ hưu cho các nhóm đối tượng còn lại.

Để đưa ra các quy định trên, các cơ quan soạn thảo Luật đã cân nhắc rất kỹ lưỡng đến các yếu tố tác động như về nhân khẩu học, về tâm sinh lý học, về sức khỏe và đặc điểm của điều kiện lao động trong từng nhóm ngành nghề. Về dài hạn, quy định tăng tuổi nghỉ hưu đáp ứng được những nhu cầu khách quan là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mới phù hợp với xu hướng về nhân khẩu và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.