Báo lãi lớn, hai “ông lớn” hàng không vẫn lo nợ nần

Theo Thế Anh/baodauthau.vn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách đường hàng không đạt 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2% và vận tải hàng hóa đạt 176,4 nghìn tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối quý II/2018, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines ở mức gần 70.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nguồn vốn hoạt động. Ảnh: Lê Tiên
Cuối quý II/2018, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines ở mức gần 70.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nguồn vốn hoạt động. Ảnh: Lê Tiên

Sự tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không có thể được nhìn nhận thông qua kết quả kinh doanh của hoạt động vận tải hàng không của hai “ông lớn” trong ngành là Vietnam Airlines và VietJet Air.

Là một ngành kinh doanh có lợi thế nhờ quy mô và ít có sự xáo trộn do rào cản tham gia cao, thị trường hàng không trước nay chỉ là sân chơi của hai “ông lớn” là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty CP Hàng không VietJet (VietJet Air). Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành vận tải hàng không bị tác động tiêu cực do giá xăng máy bay tăng mạnh, nhưng lợi nhuận 6 tháng 2018 của 2 doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ 2017.

Cụ thể, đối với Vietnam Airlines, tình hình kinh doanh sau 6 tháng đầu năm 2018 của doanh nghiệp này tốt hơn nhiều so với dự đoán. Doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines đạt lần lượt 47.943 tỷ đồng và 1.855 tỷ đồng, tăng trưởng tương đương hơn 18% và 81% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ riêng quý II/2018, doanh thu thuần (80% từ đến từ vận tải hàng không) đạt 23.145 tỷ đồng, tăng trưởng gần 20%. Trong đó, doanh thu bình quân của khách nội địa quý II tăng 14,9%, khách quốc tế tăng 8,2%. Kết quả là chỉ riêng trong quý II/2018, Vietnam Airlines báo lãi trước thuế 426 tỷ đồng, tăng trưởng 153% so với cùng kỳ 2017.

Đáng chú ý, trong cơ cấu vốn của Vietnam Airlines là những khoản nợ bằng ngoại tệ. Cụ thể, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines tại thời điểm kết thúc quý II/2018 ở mức gần 70.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nguồn vốn hoạt động. Trong đó, vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức gần tương đương nhau và có khoảng 43.000 tỷ đồng là tiền vay ngân hàng, trong đó có một số khoản vay bằng ngoại tệ. Điều này khiến Vietnam Airlines khá nhạy cảm với tỷ giá. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc chi phí tài chính cũng gấp gần 2 lần cùng kỳ năm trước, ở mức 1.307 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 838 tỷ đồng và chi phí lãi vay. Trước áp lực về tỷ giá ngày càng gia tăng, lỗ tỷ giá trong tương lai có thể trở thành vấn đề mà doanh nghiệp này phải quan tâm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của VietJet Air, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế quý II/2018 đều sụt giảm so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, doanh thu thuần chỉ đạt 8.637 tỷ đồng, giảm 23,4%, còn lợi nhuận trước thuế giảm 39,5%. Tuy nhiên, nhờ có sự tăng trưởng mạnh trong quý I/2018, VietJet Air vẫn báo lãi trước thuế 2.377 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân của sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của VietJet Air trong quý II/2018 do không phát sinh doanh thu từ hoạt động bán và thuê lại máy bay (Sale and leaseback). Hoạt động này luôn đóng góp từ 40 - 50% doanh thu và lợi nhuận cho Vietjet Air trong những năm gần đây. Nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay từng được nhiều chuyên gia nhìn nhận là con dao hai lưỡi với những doanh nghiệp hàng không. Dù có thể ngay lập tức ghi nhận khoản lợi nhuận lớn từ các hợp đồng bán máy bay, nhưng chi phí thuê lại trong tương lai ngày càng cao sẽ trở thành gánh nặng lớn, tạo áp lực lên sự tăng trưởng.

Điểm tích cực với Vietjet Air là doanh thu vận chuyển hành khách vẫn có sự tăng trưởng khá mạnh. Trong quý II/2018, vận chuyển hàng khách đem về cho Vietjet Air hơn 6.550 tỷ đồng, tăng 55% so với quý II/2017. Doanh thu hoạt động phụ trợ cũng tăng tương ứng lên gần 2.000 tỷ đồng.

Có khoảng 43.000 tỷ đồng là tiền vay ngân hàng, trong đó có một số khoản vay bằng ngoại tệ. Điều này khiến Vietnam Airlines khá nhạy cảm với tỷ giá. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc chi phí tài chính cũng gấp gần 2 lần cùng kỳ năm trước, ở mức 1.307 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 838 tỷ đồng và chi phí lãi vay.