Bảo vệ bí mật nhà nước lĩnh vực dữ trữ quốc gia thực hiện thế nào?
Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) quy định, người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý bí mật nhà nước có thẩm quyền duyệt cho phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở trong nước…
Về danh mục bí mật nhà nước
Theo Quyết định số 1923/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực tài chính - ngân sách (trong đó bao gồm có lĩnh vực DTQG) chỉ còn 2 cấp độ là Tối mật và Mật.
Theo đó, cấp độ Tối mật gồm: Kế hoạch DTQG do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý; Kế hoạch tài chính 3 năm, dự toán, quyết toán chi ngân sách nhà nước cho DTQG do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý; Số liệu tuyệt đối về số lượng và giá trị hàng DTQG do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý; Quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTQG do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Cấp độ Mật gồm: Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG; quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTQG do các bộ ngành quản lý (trừ hệ thống kho DTQG do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý) và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm, dự toán NSNN và quyết toán ngân sách hằng năm cho DTQG.
Về sao, chụp, cung cấp tài liệu mật
Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Tổng cục DTNN phân cấp rõ: Người có thẩm quyền duyệt cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là Tổng cục trưởng; Người có thẩm quyền duyệt cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật bao gồm: Tổng cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Người có thẩm quyền duyệt cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Mật bao gồm: Tổng cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục, người đứng đầu đơn vị cấp phòng thuộc Tổng cục, người đứng đầu đơn vị cấp phòng thuộc Cục DTNN khu vực và Chi cục trưởng.
Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu mật ở cấp độ nào thì đồng thời là người có thẩm quyền cho phép cung cấp tài liệu mật ở cấp độ đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước.
Về vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
Việc vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước do người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước, người làm công tác giao liên hoặc văn thư của cơ quan, tổ chức thực hiện. Việc vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong; phải có biện pháp bảo quản, bảo đảm an toàn, trường hợp cần thiết phải có lực lượng bảo vệ.
Vận chuyển tài liệu bí mật nhà nước qua dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về bưu chính. Nơi gửi và nơi nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải kiểm tra, đối chiếu để kịp thời phát hiện sai sót và có biện pháp xử lý. Việc giao, nhận phải được ghi đầy đủ vào Sổ theo dõi và phải ký nhận…
Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước của Tổng cục DTNN quy định, người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý bí mật nhà nước có thẩm quyền duyệt cho phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở trong nước.
Tại cơ quan Tổng cục DTNN, việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở trong nước phải được Tổng cục trưởng hoặc Phó Tổng cục trưởng phụ trách lĩnh vực phê duyệt. Trong khi đó, tại Cục DTNN khu vực, việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở trong nước phải được Cục trưởng phê duyệt.
Trường hợp ủy quyền cho Phó Cục trưởng phải quy định cụ thể tại Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước của các Cục DTNN khu vực hoặc thực hiện bằng văn bản ủy quyền.
Tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước
Để khắc phục tình trạng lộ bí mật nhà nước tại các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định chặt chẽ thẩm quyền, thành phần, địa điểm, sử dụng phương tiện, thiết bị, phương án bảo vệ, việc sử dụng tài liệu bí mật nhà nước và trách nhiệm của các chủ thể tham gia, tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp. Đây là nội dung được cụ thể hóa tại Điều 14 Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Tài chính và Điều 7 Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Tổng cục DTNN.
Về quản lý kho DTQG
Pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước không quy định về khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước. Quyết định số 06/2021/QĐ-TTg ngày 18/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã bãi bỏ Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg ngày 6/9/2004 về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm.
Theo quy định trên, kho DTQG không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước nói chung và quy định về khu vực cấm, địa điểm cấm nói riêng.
DTQG phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật DTQG và Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Đối với hệ thống kho DTQG của Tổng cục DTNN quản lý phải thực hiện theo quy định tại Quyết định số 88/QĐ-TCDT ngày 09/2/2021 về Khung quy chế quản lý, sử dụng DTNN và Quy chế quản lý, sử dụng kho DTQG của các Cục DTNN khu vực…
Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Tổng cục DTNN phân cấp rõ: Người có thẩm quyền duyệt cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là Tổng cục trưởng; Người có thẩm quyền duyệt cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật bao gồm: Tổng cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Người có thẩm quyền duyệt cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Mật bao gồm: Tổng cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục, người đứng đầu đơn vị cấp phòng thuộc Tổng cục, người đứng đầu đơn vị cấp phòng thuộc Cục DTNN khu vực và Chi cục trưởng.