Bảo Việt được lựa chọn triển khai Chương trình Bảo hiểm khai thác thủy sản
(Tài chính) Sáng ngày 14/11/2014, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tập huấn khu vực phía Bắc về chính sách bảo hiểm liên quan đến Chương trình triển khai Bảo hiểm khai thác thủy sản – thực hiện theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Toàn cảnh Hội nghị. Nguồn: financeplus.vn
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn gồm đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính và các Cục, Vụ liên quan, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản và Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách các Ủy ban Nhân dân các cấp, các Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản các Tỉnh, Thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, Tái bảo hiểm triển khai chương trình bảo hiểm khai thác thủy sản: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, Tổng Công ty Tái Bảo hiểm Quốc gia.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm. Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá thực tế, ngày 20/8/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm và Thông tư số 116/2014/TT-BTC hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) – đơn vị thành viên do Tập đoàn Bảo Việt đầu tư 100% vốn - trở thành một trong 4 doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ lựa chọn triển khai Chương trình Bảo hiểm khai thác thủy sản theo Quyết định số 2764/QĐ - BTC ngày 27/10/2014 bên cạnh 3 công ty bảo hiểm cùng tham gia là: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh); Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO); Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI).
Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ triển khai theo hình thức đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo việc thực hiện được thống nhất, cạnh tranh công bằng, tăng cường khả năng kiểm soát trục lợi, đồng thời thuận lợi trong công tác tổng kết, đánh giá và thực hiện các điều chỉnh (nếu có) phù hợp với thực tế.
Tới nay, Bộ Tài chính đã chấp thuận quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm khai thác thủy sản để các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng triển khai phục vụ ngư dân, chủ tàu.
Bảo Việt là một trong 4 doanh nghiệp bảo hiểm được lựa chọn triển khai Chương trình Bảo hiểm khai thác thủy sản. Nguồn: financeplus.vn
|
Nhằm hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác thủy sản, chính sách bảo hiểm khai thác thủy sản được thực hiện theo nguyên tắc bảo hiểm mọi rủi ro, với mức trách nhiệm bảo hiểm (mức chi bồi thường tối đa) cho các tổn thất về con người và tài sản phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản cao hơn khá nhiều so với quy định liên quan trước đó (ngoại trừ những rủi ro mang tính chủ quan của người được bảo hiểm và các hành vi trục lợi bảo hiểm).
Tại Hội nghị tập huấn, đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt chia sẻ: "Bảo Việt luôn sẵn sàng đồng hành cùng các chủ tàu và ngư dân trong việc giảm thiểu các rủi ro về tài chính và con người liên quan đến hoạt động đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ. Việc phối hợp triển khai bảo hiểm khai thác thủy sản của Bảo Việt, một mặt thể hiện vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu đối với chủ trương phát triển thủy sản, nhưng mặt khác cũng thể hiện trách nhiệm của Bảo Việt trong công tác an sinh xã hội đối với bà con nơi biển đảo; đồng thời, thể hiện uy tín của một doanh nghiệp bảo hiểm có bề dày truyền thống nửa thế kỷ phát triển."
Là một Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Bảo Việt luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tiên phong triển khai các chương trình theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bảo Việt luôn quan tâm, đồng hành và mong muốn hỗ trợ bà con ngư dân ổn định cuộc sống, yên tâm bám biển và phát triển hoạt động khai thác hải sản xa bờ.
Trong suốt nửa thế kỷ hoạt động và phát triển, Bảo Việt luôn thể hiện vai trò của một doanh nghiệp Nhà nước, tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ cũng như góp phần khai mở thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Không chỉ là một trong những doanh nghiệp nhà nước đầu tiên tiến hành cổ phần hóa thành công, Bảo Việt còn là một trong số các doanh nghiệp luôn tích cực tham gia các chương trình bảo hiểm thực hiện theo chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển đầu tư và phát triển bền vững như: Triển khai chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai...
Cũng trong năm nay - 2014, Bảo Việt đã phát động chương trình quyên góp với tên gọi “Bảo Việt: Niềm tin Việt - Chung tay hướng về biển đảo quê hương” nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hướng về biển đảo thân yêu trong mỗi cán bộ Bảo Việt. Chương trình đã thu về gần 1 tỷ đồng để ủng hộ cho các hoạt động hướng về biển đảo như tặng quà cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo; hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, hội nghề cá... phát triển kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng.
Phạm vi bảo hiểm rộng với mức phí bảo hiểm ưu đãi:
Về thân tàu: bảo hiểm cho mọi rủi ro có thể gặp phải. Tỷ lệ phí bảo hiểm thân tàu trung bình là 1,165% - là mức thấp hơn mức phí mà doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay đang thực hiện (Áp dụng cho tàu có công suất từ 90CV trở lên). Tàu vỏ thép, vỏ gỗ và vật liệu khác đều được bảo hiểm theo tỷ lệ này.
Về ngư lưới cụ: bảo hiểm đối với trường hợp tàu bị mất tích/hoặc bị chìm/hoặc hư hỏng toàn bộ. Tỷ lệ phí bảo hiểm ngư lưới cụ bằng 0,7% mức trách nhiệm bảo hiểm ngư lưới cụ.
Về rủi ro chiến tranh, bị cướp, bạo loạn, hành động phá hoại hoặc khủng bố có tính chất chính trị, do vụ nổ (của các loại vũ khí hoặc các chất nổ khác), được bảo hiểm với tỷ lệ phí bảo hiểm bằng 0,5% số tiền bảo hiểm thân tàu.
Hỗ trợ tối đa cho chủ tàu và ngư dân tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên:
Doanh nghiệp nhận Bảo hiểm tai nạn thuyền viên trên cơ cở danh sách khai báo của chủ tàu về số lượng thuyền viên thực tế - được xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã mà không cần phải liệt kê cụ thể tên của từng thuyền viên.
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho thuyền viên bị tai nạn có tên trong danh sách thuyền viên do Biên phòng xác nhận (khi tàu xuất - nhập bến) hoặc do Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận (khi tai nạn xảy ra trong lúc tàu ở trong bến) theo Bảng chi trả tiền bồi thường do Bộ Tài chính quy định.
Mức phí bảo hiểm được ấn định là 300.000 đồng/người/lần, nhưng mức trách nhiệm bảo hiểm lên tới 70.000.000 đồng/1 người/1 vụ tai nạn, tức là gấp hơn 230 lần mức phí bảo hiểm.