Bất chấp Covid-19: Giới tỷ phú công nghệ giàu thêm
Dù nền kinh tế các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề và bị suy giảm lớn nhất trong nhiều thập niên qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tài sản của giới tỷ phú USD tiếp tục tăng cao trong những tháng đầu năm, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ.
Đua nhau trên bảng xếp hạng
Cập nhật đến ngày 5/8/2020, ngôi vị giàu nhất thế giới vẫn thuộc về ông chủ Amazon là Jeff Bezos, với tổng tài sản lên đến 186 tỷ USD, cách khá xa vị trí thứ hai của tỷ phú Bill Gates đến 67 tỷ USD. Đáng lưu ý là so với thời điểm đầu năm nay, tài sản của Bezos cũng tăng mạnh nhất trong bảng xếp hạng tỷ phú khi tăng hơn 71 tỷ USD.
Ngày 20/7/2020, ông Jeff Bezos có thêm 13 tỷ USD, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Người giàu nhất hành tinh đang chờ đợi để lập thêm một kỷ lục mới, trở thành người đầu tiên có tài sản vượt 200 tỷ USD. Vợ cũ của Bezos là MacKenzie Scott cũng có khối tài sản tăng thêm 23,2 tỷ USD, lên 60,3 tỷ USD, xếp ở vị trí thứ ba về mức tăng nhờ sự bứt phá của cổ phiếu Amazon.
Dù Bill Gates xếp ở vị trí thứ hai về giá trị tài sản với 119 tỷ USD, nhưng tài sản của vị tỷ phú này tính ra chỉ tăng thêm hơn 6 tỷ USD so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng đến 42,6 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm của Elon Musk. Ông chủ Tesla cũng ghi dấu ấn là người có mức tăng cao thứ hai trên bảng xếp hạng, hiện có tài sản ròng 70,1 tỷ USD.
Trong 10 vị trí có tài sản tăng cao nhất từ đầu năm đến nay, có đến 7 tỷ phú đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài Bezos, MacKenzie Scott và Elon Musk, còn có Steve Ballmer của Microsoft tăng 18,6 tỷ USD, lên 76,7 tỷ USD; Pony Ma của Tencent tăng 16,4 tỷ USD, lên 55 tỷ USD; Mark Zuckerberg của Facebook tăng 16,4 tỷ USD, lên 94,8 tỷ USD; tỷ phú Trung Quốc Colin Huang (Hoàng Tranh) - người sáng lập Pinduoduo, tăng 13,5 tỷ USD, lên 33,1 tỷ USD.
Đáng lưu ý là tỷ phú năng lượng Mukesh Ambani - ông chủ của công ty tư nhân lớn nhất của Ấn Độ là Reliance Industries, xếp thứ 4 về mức tăng khi tài sản có thêm 22 tỷ USD, lên 80,7 tỷ USD, vượt qua Warren Buffett và Steve Ballmer để trở thành người giàu thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, giá trị tài sản của vị tỷ phú giàu nhất châu Á này tăng mạnh từ đầu năm đến nay cũng là nhờ các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp kỹ thuật số.
Trong 74 tỷ phú công nghệ trong bảng xếp hạng 500 tỷ phú của Bloomberg, chỉ có 5 người có tài sản giảm so với đầu năm. Ngược lại, trong danh sách 10 người có tài sản lớn nhất hiện nay, tài sản của ông trùm hàng xa xỉ là Bernard Arnault giảm mạnh nhất, 23,9 tỷ USD, xuống còn 81,3 tỷ USD, trong khi tỷ phú của thiên tài đầu tư Warren Buffett cũng giảm 13,5 tỷ USD, xuống còn 75,7 tỷ USD, do các khoản đầu tư bị suy giảm giá trị theo diễn biến lao dốc của thị trường chứng khoán. Các tỷ phú có tài sản giảm mạnh nhất cũng thuộc các lĩnh vực bán lẻ, giải trí, công nghiệp, năng lượng, hàng tiêu dùng.
Sự bứt phá của cổ phiếu công nghệ
Một thống kê gần đây của Bloomberg cho thấy, tổng tài sản của các tỷ phú công nghệ trong bảng xếp hạng 500 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng gần gấp đôi so với năm 2016, từ mức 751 tỷ USD lên hơn 1.400 tỷ USD. Bảy trong số 10 tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay có tài sản cũng đến từ khoản nắm giữ trong lĩnh vực công nghệ, với tổng mức tăng gần 166 tỷ USD.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, mức độ lây lan ngày càng gia tăng, nền kinh tế đang chuyển hướng dần sang dịch vụ trực tuyến nhiều hơn vì nhu cầu an toàn, mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số.
Luigi Zingales - giảng viên tài chính tại Đại học Chicago nhận định: “Chúng ta đã chuyển từ nền kinh tế gạch vữa (cửa hàng vật chất) sang nền kinh tế trực tuyến một cách nhanh chóng. Có thế thấy ảnh hưởng của đại dịch đã làm đảo lộn cách mà nền kinh tế và xã hội vận hành, thúc đẩy mọi thứ thay đổi nhanh hơn so với dự báo trước đây”.
Trước cơ hội rộng mở, các nhà đầu tư đã nhanh chóng phản ứng với cổ phiếu công nghệ, giúp giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng vọt trong thời gian qua, từ đó làm giàu thêm cho các tỷ phú công nghệ, vốn cũng là ông chủ của các công ty này.
Đơn cử như Amazon, cổ phiếu của doanh nghiệp thương mại điện tử khổng lồ này đã tăng hơn 85% kể từ giữa tháng 3 đến nay, lên gần 3.140 USD/CP, trong bối cảnh xã hội Mỹ vẫn phải vật lộn với đại dịch, các chính sách cách ly, phong tỏa khiến người tiêu dùng buộc phải lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Hay như Facebook, dù đối mặt với làn sóng tẩy chay của giới doanh nghiệp thời gian qua, cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất này vẫn tăng đến 71%, trong khi cổ phiếu Microsoft tăng gần 60% trong cùng khoảng thời gian, khi các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi và số hóa hoạt động, dẫn đến lựa chọn sử dụng các ứng dụng của Microsoft nhiều hơn.
Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là cổ phiếu của hãng xe điện Tesla thậm chí còn tăng hơn 4 lần, từ mức quanh 360 USD vào giữa tháng 3 lên gần 1.500 USD/cp, khi doanh nghiệp này đã bắt đầu có lợi nhuận và được dự báo sẽ sớm đủ điều kiện để thêm vào chỉ số S&P 500. Điều quan trọng hơn là giới đầu tư tin tưởng vào tiềm năng to lớn của thương hiệu này, cũng như dịch bệnh sẽ càng làm thúc đẩy nhu cầu sở hữu và sử dụng các phương tiện cá nhân, trong đó các dòng xe điện của Tesla có thể chiếm ưu thế.