Bắt đầu “áp” lộ trình hạn chế cho vay ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết lãi suất, tỷ giá ổn định, tín dụng tăng thấp nhưng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên cho sản xuất ; dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục nhưng vẫn tiếp tục lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ.
Xử lý được 204,4 nghìn tỷ nợ xấu
Ngày 1/4/2019, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham dự và chủ trì buổi họp báo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức để thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2019. Chia sẻ về quan điểm điều hành, bà Hồng cho hay: Chính sách tiền tệ (CSTT) vừa mang tính ngắn hạn phải phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế. Nhưng có những khác biệt về thời điểm, giải pháp phối hợp, liều lượng. “Với mục tiêu phương châm xuyên suốt là kiên định kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển kinh tế, điều hành tín dụng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng”, bà Hồng nói.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ CSTT cho biết, hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. “Ngay sau hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành đầu năm 2019, các ngân hàng thương mại nhà nước đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm”, ông Hà nói.
Nói về tình hình tăng tín dụng từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, năm 2019, NHNN đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 14% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. “Cuối tháng 2 và tháng 3, chúng tôi đã tổ chức đoàn khảo sát. Tín dụng tăng ngay từ đầu năm và tính đến ngày 25/3 tương đương mức tăng năm 2018. Việc tăng tập trung vào một số ngành như; công nghiệp chiếm 2,5%; chế biến chế tạo 2,7%; xây dựng 1,08%, thương mại dịch vụ 1,9% ưu tiên công nghiệp hỗ trợ 3,4% xuất khẩu 5,4% công nghệ cao 2,7% nông nghiệp 2,2%”, ông Tần nói.
Theo NHNN riêng về xử lý nợ xấu, đến 31/1/2019, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng). Điểm mới trong xử lý nợ xấu là các khoản nợ mà tổ chức tín dụng khi bán nợ cho VAMC mua và nhận về trái phiếu trong 5 năm sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt…
Hạn chế tín dụng ngoại tệ
Những diễn biến mới trên thị trường quốc tế tác động và định hướng gì đến việc điều hành của NHNN? Quý 1 năm nay, NHNN gặp thuận lợi khi mua được một lượng ngoại tệ lớn, tiếp tục nâng dự trữ lên mức cao. “Khi thị trường thuận lợi, NHNN mua được nhiều ngoại tệ, dự trữ, khi thị trường có nhu cầu, NHNN sẽ đưa ra can thiệp. Điều hành tỷ giá sẽ theo xu hướng linh hoạt hằng ngày phù hợp diễn biến trong nước cũng như các đồng tiền của các đối tác đầu tư với Việt Nam”, bà Hồng nhấn mạnh.
Cùng đó, bà Hồng lưu ý: “2019 là năm NHNN đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ tạo lập cơ sở vững chắc cho thị trường không bị ảnh hưởng. Thời gian qua, xuyên suốt các giải pháp điều hành luôn tạo sự khuyến khích VND. NHNN cũng đã hướng tới thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần quan hệ tiền gửi cho vay sang quan hệ mua bán”, bà Hồng nói.
Về thanh toán điện tử, theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, 3 tháng đầu năm, số lượng giao dịch tài chính qua Internet tăng tương ứng 33,6% so với cùng kỳ 2017.
Với việc 29 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 26 tổ chức cung ứng ví điện tử được cấp phép, tính đến 31/12/2018, NHNN đã cung ứng 4,24 triệu ví. “Đến nay cả nước đã có hơn 10.000 đơn vị chấp nhận nhanh thanh toán ví điện tử. Còn riêng về tiền ảo, tiền mã hóa, NHNN không cấp phép cho sàn giao dịch tiền ảo hay tiền mã hoá nào. Theo Nghị định 16, NHNN không có thẩm quyền cấp phép, mà thuộc về Bộ Tư pháp”, đại diện Vụ thanh toán NHNN khẳng định.
NHNN cho biết, đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; tiến tới triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...Đặc biệt, NHNN triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ...
Theo Thông tư 42 sửa đổi, bổ sung quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú, các tổ chức tín dụng được cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay đến hết ngày 31/3/2019. Cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.