Rào cản nào trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam?

Theo TS.PHÙNG THẾ ĐÔNG/nhadautu.vn

Trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp (DN) khi tiếp cận với nguồn vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng là khả năng xây dựng kế hoạch/dự án kinh doanh.

Trở ngại lớn đối với các DN khi tiếp cận với nguồn vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng là khả năng xây dựng kế hoạch/dự án kinh doanh. Nguồn: internet
Trở ngại lớn đối với các DN khi tiếp cận với nguồn vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng là khả năng xây dựng kế hoạch/dự án kinh doanh. Nguồn: internet

Mức độ trở ngại trong tiếp cận vốn vay ngân hàng của DNNVV

Doanh nghiệp (DN) là khu vực quan trọng nhất đóng góp vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bình quân trong giai đoạn 2010-2017, khu vực này đóng góp cho NSNN tăng 12,4%/năm, tương đương trên 60% trong GDP của toàn bộ nền kinh tế. Cũng tính trong giai đoạn này, số DN thực tế hoạt động của Việt Nam tăng 10,5%/năm, thu hút lao động làm việc trong khu vực DN tăng 5,9%/năm, vốn sản xuất kinh doanh tăng 15,4%/năm, đồng thời, doanh thu tăng 15,6%/năm, lợi nhuận tăng 13,7%/năm.

Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến 98,1% tổng số DN đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu NSNN và tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 5 triệu lao động. Bình quân trong giai đoạn 2012- 2017, số DNNVV tăng 8,8% cao hơn mức tăng bình quân của DN lớn là 5,4%.

Nhìn chung, DN ở Việt Nam ngày càng phát triển cả về số lượng, lẫn quy mô và hình thức sở hữu tài sản. Tuy nhiên, trong thực tế khu vực DN còn gặp nhiều khó khăn và một trong những khó khăn kể đến là rào cản tiếp cận vốn.

Khả năng tiếp cận vốn khó khăn buộc các DN mất thêm các chi phí (cả chính thức và phi chính thức) để có thể có được khoản vay, hoặc/và phải tiếp cận thị trường phi chính thức và phải trả lãi suất cao hơn, theo đó, làm gia tăng chi phí sản xuất của DN.

Theo Báo cáo Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam, có 25% số DN nộp hồ sơ vay vốn chính thức và 15% gặp khó khăn trong việc vay vốn.

Các nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các trở ngại về tính thanh khoản cũng như những rào cản về tiếp cận tín dụng. Số lượng các DN đã từng tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng chiếm 57,81%. Trong đó, nhu cầu vay vốn của các DNNVV chiếm hơn 90%. Tuy nhiên, trong đó, có tới 27,91% các DN gặp khó khăn trong việc hồ sơ vay bị phía ngân hàng từ trối hoặc chỉ giải ngân một phần.

Trong các nguyên nhân DN xin vay và không được phía ngân hàng giải ngân thì lý do tài sản thế chấp/đảm bảo không đủ điều kiện chiếm 38,14% và 13,4% liên quan đến tính khả thi của dự án.

Trở ngại lớn đối với các DN khi tiếp cận với nguồn vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng là khả năng xây dựng kế hoạch/dự án kinh doanh. Bên cạnh đó, lãi suất cao, sự thiên vị của các ngân hàng đối với các DN lớn hoặc DN nhà nước cũng tạo ra những trở ngại cho các DN khu vực tư nhân tiếp cận nguồn vốn.

Về lý do phải sử dụng tiếp cận các nguồn vay không chính thức thay vì các nguồn chính thức thì lý do phổ biến nhất đến từ việc vay vốn phi chính thức không có các quy định chặt chẽ như vay từ ngân hàng, 56% DN chọn nguồn vốn phi chính thức vì “Phương thức dễ dàng hơn”, 51% vì “Thời gian trả linh hoạt hơn”; 46% vì “Không yêu cầu tài sản bảo đảm”. Thực tế này cho thấy có những rủi ro rất lớn tiềm ẩn đằng sau nguồn vốn khá phổ biến này.

Nhân tố nào tác động đến khả năng tiếp cận vốn của DNNVV?

Nghiên cứu thực nghiệm của chúng tôi trên số liệu Điều tra DN cho thấy, số năm hoạt động của DN trên thị trường có những tác động tích cực đến khả năng tiếp cận vốn vay của DN. Điều này hàm ý, các DN hoạt động trên thị trường lâu năm có lịch sử về tín dụng tốt hơn sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các món vay từ các Tổ chức tín dụng. Nếu DN có tăng trưởng trong doanh thu của năm liền trước năm nộp hồ sơ xin vay vốn thì xác suất hồ sơ xin vay được chấp nhận sẽ tăng khoảng 16,1-18,2 điểm %.

Nếu DN có đủ tài sản thế chấp thì khả năng DN được phía ngân hàng chấp nhận hồ sơ xin là rất lớn. Cụ thể, xác suất hồ xin vay được ngân hàng chấp nhận sẽ tăng khoảng 64,5 – 65,2 điểm % khi các DN có tài sản thế chấp.

Điều này lý giải tại sao các DN tư nhân, đặc biệt là các DNNVV, khó có thể tiếp cận được các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Bởi các DN tư nhân phần lớn hầu như không có tài sản đảm bảo vì mặt bằng sản xuất, máy móc trang thiết bị của các DNNVV là đi thuê.

Xác suất DN có thể tiếp cận được món vay từ ngân hàng tăng khi DN có chi các khoản chi phí lót tay. Xác suất này tăng khoảng 17,5-21,4 điểm %. Chi phí phi chính thức hiện vẫn là một trong rào cản các DN tiếp cận vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các DNNVV.

Nếu các DN chấp nhận chi trả lãi vay cao hơn thì xác suất tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng sẽ tăng khoảng 16,5 -17,9 điểm %. Điều này cho thấy, việc phải trả lãi suất cao để được tiếp cận với những khoản vay từ Tổ chức tín dụng vẫn là một rào cản đối với các DN.

Nếu vị trí của DN ở xa ngân hàng thì xác suất để món vay được chấp nhận giảm khoảng 10,6-11,1 điểm %. Hiện nay, các DN cho rằng thủ tục tiếp cận vốn vay ngân hàng còn phức tạp và mất nhiều thời gian, chính điều này cũng đã làm xác suất tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng của các DN giảm khoảng 11,7-11,9 điểm %.

Nếu các DN có bản kế hoạch kinh doanh rõ ràng khi nộp hồ sơ xin vay vốn ngân hàng thì xác suất món vay được chấp nhận sẽ tăng tương ứng khoảng 7,3 điểm % và 9,2 điểm %. Việc DN có quan hệ mật thiết với ngân hàng giúp các DN thuận lợi hơn trong các thủ tục tiếp cận các khoản vốn vay từ ngân hàng.

Khi các DN tiếp cận với các nguồn vốn huy động vốn từ người thân, gia đình và bạn bè có ảnh hưởng ngược chiều đến khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn phi chính thức không phải là nguồn vốn mang tính chất bổ sung mà hiện tại mang tính thay thế trên góc độ nguồn vốn của DN.

Lịch sử tín dụng của DN có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của DN với các tổ chức tín dụng. Có thể thấy, nếu DN đã xử lý xong nợ xấu, nợ quá hạn xác suất khả năng DN có nộp hồ sơ xin vay vốn ngân được chấp nhân, tương ứng tăng lên là 2,4 điểm % và 8,1 điểm %.

Đặc biệt, nếu các tổ chức tín dụng minh bạch công khai, cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động cho vay thì sẽ tăng xác suất khi DN có hồ sơ xin vay vốn ngân hàng và đã được chấp nhận tăng 5,8 điểm %. Điều này cũng lí giải được tác động của việc chi trả các chi phí không chính thức đến tiếp cận các khoản vốn vay của DN đối với các tổ chức tín dụng.

Một thực tế quan trọng nữa là, một vụ án kinh tế giữa bên vay và cho vay ở Việt Nam được Tòa án thụ lý diễn ra trung bình mất khoảng 720 ngày, thời gian này là quá lớn, gây thiệt hại về vật chất, thời gian cho tổ chức tín dụng, và hệ quả tác động đến “lòng tin” của các Tổ chức tín dụng trước quyết định cho vay. Để phòng ngừa rủi ro, các Tổ chức tín dụng đặt ra thêm các yêu cầu về thủ tục hành chính, tài sản thế chấp, hoặc định giá tài sản thế chấp thấp hơn nhiều so với giá trị thực.

Giải pháp nào cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV?

Để đa dạng hóa nguồn vốn cho DNNVV, chúng ta cần hoàn thiện thị trường tài chính, nhằm tạo cơ sở thuận lợi cho các DNNVV tham gia; trong đó, cần sớm hình thành thị trường chứng khoán chuyên biệt dành riêng cho DNNVV; sớm hình thành và vận hành hiệu quả thị trường mua bán nợ cho khu vực DN và tín dụng; phát triển loại hình công ty cho thuê tài chính; thúc đẩy hoạt động hiệu quả Quỹ bảo lãnh, Quỹ phát triển DNNVV; xây dựng cơ sở dữ liệu về xếp hạng năng lực tài chính DN; thúc đẩy hiệu quả mạng lưới tất cả DN, nhằm tạo cơ hội liên kết ngang, dọc giữa các DNNVV với phần còn lại. 

Ngoài ra, ở Việt Nam, loại hình DN gia đình, là những DN hoạt động trong khu vực phi chính thức của xã hội thuộc quy mô DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang chiếm tỷ lệ không nhỏ. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ áp dụng cho DNNVV, có đăng ký chính thức với các cơ quan chức năng. Do đó, để tính đươc các DN này, cũng như khuyến khích các loại hình DN này hưởng lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thì chúng ta cần rà soát, nghiên cứu và cắt giảm những thủ tục đăng ký kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.