Thu hẹp huy động và cho vay ngoại tệ

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

"Cần có thị trường mua bán ngoại tệ dễ dàng hơn, thanh khoản hơn, để mỗi khi cần ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ thực hiện quan hệ mua bán hơn là vay mượn", chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Huy động vốn ngoại tệ năm 2018 tăng mạnh, khoảng 17%. Nguồn: Internet
Huy động vốn ngoại tệ năm 2018 tăng mạnh, khoảng 17%. Nguồn: Internet

Tại buổi họp báo thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian gần đây, tốc độ huy động và cho vay ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã giảm đi rất nhiều.

Không khuyến khích gửi ngoại tệ

Thống kê cho thấy, năm 1992 có tới 41% lượng tiền gửi ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, nhưng những năm sau do tỷ giá ổn định, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 20 – 32%.

Đáng chú ý, kể từ khi áp dụng lãi suất huy động USD ở mức 0% vào năm 2015, tỷ lệ này tiếp tục giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% vào cuối năm 2017.

Ngoại tệ dư thừa trên thị trường tạo điều kiện cho NHNN mua vào một lượng lớn, bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhất từ trước đến nay (dự kiến khoảng 64 tỷ USD tính đến cuối năm 2018).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), huy động vốn ngoại tệ năm 2018 tăng mạnh, khoảng 17%. Tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ chiếm 9,9% tổng vốn huy động.

Một chuyên gia nhận định các con số trên cho thấy doanh nghiệp (DN) đang găm giữ ngoại tệ. Có thể các DN đang cẩn trọng trong việc giữ khả năng thanh toán ngoại tệ của mình, tỏ ra lo ngại việc tỷ giá hối đoái có thể tăng.

Ngoài ra, DN đang chuẩn bị cho mình trước việc sẽ không được vay ngoại tệ trong thời gian tới. Đây là yếu tố mà NHNN phải cân nhắc để điều hành thị trường trong năm 2019.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2019 cũng là thời điểm mà NHNN đã đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ, sẽ tạo lập cơ sở vững chắc để không ảnh hưởng hoạt động cho vay ngoại tệ, từ đó không khuyến khích với tiền gửi ngoại tệ.

Các giải pháp của NHNN là hướng tới thu hẹp thị trường ngoại tệ, thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần từ quan hệ tiền gửi – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ.

Theo thông tư do NHNN ban hành, tới 31/3 sẽ dừng việc cấp tín dụng ngoại tệ đối với nhu cầu nhập khẩu ngoại tệ ngắn hạn đối với khách hàng có nguồn thu ngoại tệ; đến 30/9 sẽ dừng tiếp đến nhu cầu nhập khẩu ngoại tệ đối với trung dài hạn.

Bà Hồng cho biết khi đề xuất lộ trình này, NHNN đã có sự phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết về cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn ngoại tệ, từ đó đưa ra các giải pháp.

Trong quý I, khi thị trường thuận lợi, NHNN mua được rất nhiều ngoại tệ, để sẵn sàng cho những thời điểm thị trường có nhu cầu sẽ thực hiện để điều tiết thị trường.

Bình luận về việc siết cho vay ngoại tệ của NHNN trong năm nay, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Thông tư trong lộ trình chống USD hóa, giảm bớt tình trạng găm giữ ngoại tệ đang có tác động tích cực đến thị trường.

Cần sớm có thị trường mua bán

Tuy nhiên, theo TS. Lực vẫn còn một số DN tận dụng thời điểm siết cấp tín dụng ngoại tệ chưa đến, nên tăng trưởng cho vay ngoại tệ quý I tăng tương đối nhanh, khoảng 5-6%. Song, điều này cũng không có tác động lớn đến thanh khoản ngoại tệ do trong quý I, hệ thống ngân hàng đã huy động được vốn ngoại tệ tương đối tốt, tăng 5%. Ngoài ra, NHNN cũng mua dự trữ được lượng lớn ngoại tệ, nên về thanh khoản ngoại tệ không có gì vướng mắc.

Cụ thể, kể từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục duy trì trạng thái mua ròng ngoại tệ. Thống kê riêng tháng 1 đã mua vào được 4 tỷ USD, sau khi mua ròng 6 tỷ USD trong năm 2018. Cập nhật thị trường tiền tệ tuần đầu tháng 3, nhóm phân tích của công ty chứng khoán SSI cho biết, NHNN vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ trong tháng 3.

Bà Hồng cho biết nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc NHNN tăng mua dự trữ ngoại tệ với số lượng lớn trong quý I/2019, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên mức điều hành lãi suất trong kỳ vừa qua; một số ngân hàng trung ương trên thế giới có động thái giảm dần thắt chặt tài chính tiền tệ…

"Xu hướng của đồng USD thế giới và FED không tăng lãi suất năm 2019 có thể sẽ không áp lực nhiều đến điều hành chính sách tiền tệ đối với thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, ngược lại, khi kinh tế thế giới giảm tốc, đặc biệt là kinh tế của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc sẽ có tác động đến xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN phải bám sát diễn biến, đánh giá những thực trạng thị trường để đưa ra những giải pháp điều hành sớm nhất, đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra", bà Hồng nói.

Ngoài ra "NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt hàng ngày phù hợp với diễn biến thị trường trong nước cũng như diễn biến của các đồng tiền là đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam", bà Hồng khẳng định.

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, việc NHNN chuyển dần từ quan hệ tiền gửi – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ ít nhiều sẽ có tác động đến DN xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây là giải pháp cần thiết, nằm trong lộ trình chống USD hóa, nhưng cũng cần có thời gian cho DN kịp xoay xở.