Bất động sản 2015: Mốc son cho sự trở lại
Sự “bùng nổ” của vốn FDI đổ vào, một lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, nhiều dự án siêu đắt bung hàng, các chính sách hỗ trợ thị trường chưa từng có được thực thi… thị trường bất động sản (BĐS) năm 2015 khiến người ta quên đi cảm giác đã từng rơi vào trì trệ kéo dài.
Triệu USD liên tục đổ về
Tháng 7/2015, thị trường BĐS Việt Nam đón nhận những khoản tiền đầu tư “khổng lồ”. Cụ thể, Quỹ đầu tư Creed Group cam kết rót 200 triệu USD cho An Gia Investment, đưa DN trở thành công ty hiếm hoi có “dự trữ” hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt. Điều này, không chỉ tạo động lực cho An Gia đẩy mạnh việc mua lại dự án phục vụ kinh doanh địa ốc trong 5 năm tới mà còn là nhân tố thúc đẩy toàn thị trường phát triển.
CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) cũng rủng rỉnh tiền bạc khi bán hết room cho phép (49%) cho các NĐT như VinaCapital (21%), Dragon Capital (16%); hay các quỹ khác như Mutual Fund Elite, Vietnam Holding, SAM… Trước đó, Công ty địa ốc Hoàng Quân, SonKimLand, Nam Long… cũng nhận được vốn góp rất lớn từ một số tổ chức như Hong Kong Land, Hankyu Realty, Nishi Nippon Railroad, Ibeworth Pte. Ltd, GEM…
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2015 cả nước thu hút được khoảng 22,7 tỷ USD vốn FDI, trong đó, lĩnh vực đầu tư và kinh doanh BĐS đứng thứ 3 với 2,39 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đăng ký. Còn nếu tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, có hơn 1,3 tỷ USD vốn FDI đổ vào BĐS chỉ trong 7 tháng đầu năm 2015...
Nếu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia thì Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc thu hút FDI vào BĐS. Theo một số NĐT có kinh nghiệm, xu hướng dồn vốn của khối ngoại vào lĩnh vực này trong năm 2016 sẽ còn tăng gấp bội, đơn giản vì chi phí đầu tư khá cạnh tranh (giá BĐS, giá nhân công còn thấp…).
Các dự án tái khởi động mạnh mẽ
Năm qua, dù sở hữu nguồn vốn không quá mạnh nhưng các chủ dự án trong nước cũng tự tin triển khai nhiều sản phẩm, đồng thời giải phóng lượng hàng tồn kho với giá cao hơn. Theo Hiệp Hội BĐS Việt Nam (VnREA), tính đến ngày 20/11/2015, lượng tồn kho BĐS của cả thị trường còn 53.245 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 75.303 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư còn 8.817 căn, tương ứng hơn 13.200 tỷ đồng.
Riêng thị trường căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh, theo Sở Xây dựng thành phố thì từ năm 2012 đến nay, hàng tồn kho giảm 76,5%, từ 14.480 căn xuống còn 3.402 căn. Nhìn chung, trong năm 2015 đạt khoảng trên 25.000 giao dịch, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2014. Điều đáng nói là trong năm 2015, thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi với sự ra mắt của nhiều khu căn hộ lẫn nhà thấp tầng.
Nhiều chủ dự án hy vọng một luồng gió mới thổi vào thị trường BĐS năm 2016, nên đã ồ ạt bung hàng. Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Gia Investment tuyên bố, công ty này sẽ phát triển xây dựng và đưa ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ trung cao cấp, cung cấp cho khách hàng những căn hộ sang trọng với mức giá hợp lý.
Đến năm 2020, An Gia Investment dự kiến đưa ra thị trường khoảng 10.000 căn hộ cao cấp tại trung tâm thành phố. Thực tế, hiện tại An Gia cũng đang đàm phán để mua lại 10 khu đất nằm ở các quận trung tâm có vị trí đắc địa, ước tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đình Bảo, Phó tổng giám đốc Khang Điền cũng cho biết, công ty này đang sở hữu hơn 100 ha quỹ đất sạch với chi phí thấp, gồm nhiều dự án tập trung tại quận 2 và quận 9. Dự kiến 2016 sẽ là năm bùng nổ dự án của DN này.
Rõ ràng, nhiều DN đang phát triển rất “thần tốc”, nhất là trong việc thu mua dự án. Điều này có được vì năm 2015 các DN BĐS được hỗ trợ rất tốt từ chính sách đến thị trường mà đặc biệt chính sách cho người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài đang sống ở Việt Nam mua nhà; tình hình thị trường có dấu hiệu khởi sắc và ổn định hơn nhờ vào các chỉ số tăng trưởng kinh tế; nhiều NĐT dài hạn quay lại thị trường khiến nguồn vốn dồi dào hơn…
Sàn BĐS sống lại
Nhớ lại những tháng đầu năm 2015, thị trường “èo uột” với giao dịch trầm lắng đã đẩy nhiều sàn giao dịch BĐS vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”. Khi các ông chủ sàn đang chưa biết tính sao trước “đứa con” của mình thì từ giữa 2015 đến nay, số lượng giao dịch đột ngột khởi sắc, nhiều hợp đồng mua bán với giá “siêu đắt” cũng dễ dàng thành công.
Đơn cử, ngoài khu đô thị mới Sala chủ đầu tư tự thực hiện bán, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Vinhomes Central Park, năm 2015 các ông chủ sàn BĐS cho biết khu BĐS nhà ở có quy mô lớn này lộ diện và tái khởi động thành công. Trong đó, khu phức hợp Ba Son (Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, quận 1), khu phức hợp cảng Sài Gòn (quận 4) và khu đô thị lấn biển Cần Giờ dự kiến sẽ có sản phẩm đưa ra thị trường từ năm 2017 nhưng đến nay việc chào bán phần lớn hoàn tất.
Bên cạnh các BĐS có quy mô lớn, một số NĐT đã đón làn sóng IPO của DNNN, kêu gọi vốn đầu tư từ DN sở hữu các khu đất vàng để tiến vào trung tâm như trường hợp của Novaland hợp tác với Sabeco triển khai khu đất nằm trên mặt tiền đường Hai Bà Trưng, quận 1 với giá siêu khủng cũng được sàn giao dịch tốt.
Như lãnh đạo của sàn SGH cho biết, họ không ngần ngại nhận phân phối độc quyền căn hộ khách sạn (Condotel FLC Quy Nhơn) và biệt thự nghỉ dưỡng (Villas FLC Quy Nhơn) thuộc quần thể dự án FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort với giá siêu khủng.
Chia sẻ về sự trở lại của sàn BĐS, một nữ giám đốc cũng thừa nhận, cách đây 2 năm, sau ngày khai trương sàn giao dịch này rơi vào cảnh “chợ chiều”. Giám đốc sàn, nhân viên lần lượt rời công ty vì “buồn quá”, cả tuần liền không có khách hàng nào đến giao dịch… Tuy nhiên, 2015 đã trở thành dấu mốc lịch sử để vực dậy các sàn. Hiện nay nhiều sàn BĐS tại thành phố đang rất “xôm tụ”…
Động lực BĐSnghỉ dưỡng xuất hiện
Một dấu mốc khá quan trọng khác của thị trường BĐS năm 2015 là thị trường đã cứu BĐS nghỉ dưỡng sống dậy sau nhiều năm “bất động”. Trong cả năm 2015, nhiều BĐS nghỉ dưỡng lớn ở Nha Trang, Phú Quốc, Vũng tàu… khởi động mạnh mẽ. Đáng chú ý ở Phú Quốc, tính đến cuối quý III/2015 đã có khoảng 70% công trình trên tổng số 200 dự án đăng ký được triển khai, với số tiền lên tới 160.000 tỷ đồng (8 tỷ USD).
Sự trở lại của lĩnh vực siêu sang chứng tỏ nền kinh tế đã thoát đáy, chi tiêu của người tiêu dùng trong nước đã quay trở lại. Có thể nói, phân khúc này chính là thước đo nhận diện nền kinh tế phục hồi, qua đó, tạo đà cho các phân khúc khác phát triển.
Với những dữ kiện của 2015, nhiều NĐT nước ngoài nhận định năm 2016 và những năm tiếp theo, Việt Nam vẫn là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Trong đó, BĐS tiếp tục là kênh hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn…