Bất động sản công nghiệp: Cuộc đua mới tại Đồng bằng sông Cửu Long
Để đón làn sóng đầu tư mới sau khi dịch COVID-19 được khống chế, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang nỗ lực chuẩn bị quỹ “đất sạch” để đáp ứng nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư.
Nhiều KCN được quy hoạch mới
Ngay sau khi chia tách từ TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang đã xúc tiến thành lập 2 khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu và Tân Phú Thạnh với diện tích gần 500 ha. Với vị trí nằm tiếp giáp với TP. Cần Thơ, 2 KCN này có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư. Do vậy mà đến nay KCN Sông Hậu - giai đoạn 1 với quy mô hơn 290 ha đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%; KCN Tân Phú Thạnh, giai đoạn 1, với quy mô diện tích hơn 200 ha, tỷ lệ lắp đầy gần 70%.
Nhằm chuẩn bị “đất sạch” đón nhà đầu tư, tỉnh Hậu Giang đã đưa vào quy hoạch 10 KCN với diện tích gần 4.000 ha. Trong đó, chỉ riêng huyện Châu Thành (giáp ranh với TP. Cần Thơ) đã có thêm 6 KCN được quy hoạch mới với diện tích khoảng 2.000 ha.
Là địa phương có mặt tiếp giáp với sông Hậu dài trên 60km nhưng trong thời gian qua tỉnh Sóc Trăng chưa phát huy được lợi thế này. Nhằm tạo quỹ đất sạch đón nhà đầu tư, tỉnh Sóc Trăng đã đưa vào quy hoạch 4 KCN ven sông Hậu với diện tích khoảng 800 ha; 19 cụm công nghiệp với diện tích 769 ha. Hiện nay, đã có 4 cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng (Ngã Năm, Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2).
Đối diện với TP. Cần Thơ phía bên kia sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long cũng đang ráo riết đầu tư hạ tầng KCN Đông Bình với diện tích 350 ha, tổng mức đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các địa phương khác trong vùng ĐBSCL cũng đang nỗ lực mời gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích đất công được quy hoạch mới lên đến hàng ngàn ha.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Theo đánh giá của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), mặc dù vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn dẫn đầu cả nước.
Năm 2020, khu vực ĐBSCL đã có 4 địa phương lọt vào top 10 PCI toàn quốc, đó là: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre. Đây cũng là những địa phương 4 năm liên tiếp (từ 2017 đến nay) được xếp vào top 10 dẫn đầu PCI tòan quốc. Trên bảng tổng sắp khu vực: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre được xếp vào nhóm rất tốt, tốt; An Giang, Cần Thơ được xếp vào nhóm khá; Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau được xếp vào nhóm trung bình.
Nhìn lại thời gian 3 năm trở lại đây, PCI bình quân của vùng ĐBSCL luôn xếp nhất nhì so với 5 vùng khác. Điều này cho thấy các tỉnh, thành trong vùng đang rất chú trọng đến cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, hòa cùng xu hướng chung của cả nước trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng hơn để thu hút nhà đầu tư.
“Số liệu từ Báo cáo thường niên 2020 do VCCI và Đại học Fulbright thực hiện cho biết, giai đoạn 2019 – 2020, khu vực này có 103 KCN được quy hoạch, trong đó có 46 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng với diện tích hơn 26.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 70%. Điều đó cho thấy các KCN tại ĐBSCL đã phát huy hiệu quả nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, tạo ra nhiều việc làm và nộp ngân sách nhiều hơn cho địa phương”, ông Lam cho biết.