Bất động sản Hà Nội: Đất vàng nào sẽ bị thu hồi?
(Tài chính) Từ nay đến cuối năm, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP. Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra 727 dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn Thành phố. Nhưng liệu những dự án xí phần đất vàng đang bỏ hoang có bị thu hồi?
Bao nhiêu dự án sẽ bị thu hồi?
Được biết, đối tượng bị kiểm tra là các tổ chức, doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất từ ngày 1/1/2009 đến ngày 31/12/2013.
Trong đó, sẽ tập trung thanh tra việc chậm thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư; để đất hoang hóa, không sử dụng trong 12 tháng kể từ khi được bàn giao tại thực địa; tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với cam kết trong dự án đầu tư được phê duyệt; sử dụng sai mục đích đất được giao, thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án trái phép…
Đối tượng và nội dung kiểm tra được đánh giá là đánh trúng trọng tâm, trọng điểm, song mục đích có đạt được hay không vẫn còn ở phía trước.
Trong quá khứ, Hà Nội đã tổ chức không ít đợt kiểm tra, thanh tra các dự án BĐS, nhưng hiệu quả của các đợt thanh tra đó vẫn là một vấn đề đáng bàn.
Từ năm 2009 đến 2013, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với 936 dự án tại Hà Nội. Theo đó, TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định thu hồi đối với 47 dự án, với diện tích 1.795 ha. Riêng năm 2013 có 13 dự án bị thu hồi, diện tích thu gần 970 ha.
Con số trên so với các dự án BĐS đang “chết lâm sàng” không cao, bởi trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án BĐS, hàng ngàn biệt thự, nhà vườn bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Đứng đầu danh sách các quận, huyện có số dự án “chết” nhiều nhất Hà Nội là huyện Mê Linh, với khoảng 50 dự án, có quy mô từ 10 - 100 ha, như Hà Phong, River Land, AIC, Phúc Việt… Hầu hết các dự án trong số này đều được khởi công từ năm 2008 - 2009, nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”.
Còn nhớ, đầu năm 2013, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã đề xuất thu hồi và dừng triển khai 30 - 40% số dự án BĐS, nhưng số dự án BĐS mà các địa phương kiến nghị thu hồi kể từ đầu năm 2013 trên cả nước chỉ chiếm 1% trên tổng số dự án được rà soát. Riêng tại Hà Nội, tính đến cuối năm 2013, chỉ có 13 dự án bị thu hồi trong tổng số gần 1.000 dự án BĐS.
Khó thu hồi đất vàng
Lý giải nguyên nhân số dự án “treo”, bỏ hoang đất vàng vẫn tăng qua các năm, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thị trường BĐS đóng băng, nên nhiều doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng, không huy động được vốn từ đối tác đầu tư, người mua nhà ở, nên không thực hiện được dự án theo tiến độ.
Theo các chuyên gia, vấn đề khó nhất trong thu hồi đất vàng hiện nay là các chủ đầu tư đều đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, nhưng sau đó, vì nhiều lý do họ chưa thực hiện dự án được.
Theo TS., KTS. Đào Ngọc Nghiêm, việc thu hồi đất cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa chủ đầu tư và cơ quan nhà nước, nên rất khó định giá các khu đất vàng, do hiện nay đã có sự điều chỉnh về giá. Trong khi đó, giá đất cũng điều chỉnh hàng năm và có hội đồng định giá, nên các chủ đầu tư đang chờ đợi thị trường “tăng điểm” và cơ chế chính sách thay đổi.
Đồng quan điểm, GS., TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cũng như những cơ chế, chính sách trước đây vẫn khẳng định “Nhà nước sẽ thu hồi đất của các doanh nghiệp, chủ đầu tư nếu sau 12 – 24 tháng không triển khai, tùy từng dự án cụ thể”. Quy định này được cho là thể hiện tính kỷ cương và quyết tâm cao của Nhà nước trong việc khắc phục tình trạng dự án treo, vốn khá phổ biến tại các đô thị lớn trong thời gian qua.
Ông Võ kiến nghị, biện pháp tốt nhất các nước áp dụng với dự án đầu tư chậm hoặc có vẻ như không muốn đầu tư mà chuyển nhượng, là dùng biện pháp đánh thuế. Mỗi năm không sử dụng thuế cao gấp đôi, gấp ba, nhà đầu tư sẽ xót tiền mà tự giải quyết.