Bất động sản Hà Nội thay đổi thế nào sau 10 năm?
Sau 10 năm, nguồn cung nhà phố, chung cư tại Hà Nội đều tăng mạnh. Thị trường Hà Nội đang mở rộng về phía Đông và phía Bắc sau khi phát triển nhanh ở khu vực phía Tây.
Những chuyển động của thị trường Hà Nội trong thập kỷ qua
Tại buổi họp báo công bố báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý IV/2019, đại diện CBRE Việt Nam đã chỉ ra những chuyển động của thị trường Hà Nội trong thập kỷ qua.
Theo CBRE Việt Nam, năm 2010, bất động sản khủng hoảng ở cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sau 10 năm, cùng với tốc độ gia tăng dân số, đô thị hoá, quan điểm của người dân thay đổi, thị trường đã chuyển mình rõ rệt.
Đơn vị này dẫn số liệu và hình ảnh cho thấy năm 2010, dân số đạt Hà Nội đạt khoảng 6,6 triệu người, toàn thị trường có hơn 20.000 căn nhà phố, chung cư chủ yếu là các căn hộ cũ, ước tính khoảng 73.000 căn. Đến năm 2019, dân số Hà Nội đạt 8,1 triệu người, khoảng 46.000 căn nhà phố và hơn 300.000 căn hộ chung cư.
Theo nhận định của đơn vị này, số lượng căn hộ chung cư tăng trưởng mạnh nhất trong các loại hình, tăng hơn 4 lần sau 10 năm. Đây được xem là dấu hiệu chứng minh cho xu hướng, quan điểm thích tập trung vào chất lượng sống, sự tiện nghi của người trẻ. Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Ông Võ Huỳnh Tấn Kiệt, Phó Giám đốc CBRE Việt Nam, đánh giá 10 năm trước, trong xu hướng mở rộng địa giới hành chính về phía Tây, phía Tây là nơi tập trung của nhiều dự án bất động sản của thành phố. Hiện nay, phía Tây vẫn là khu vực biểu tượng cho tốc độ phát triển của Hà Nội, tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, thị trường đang dần mở rộng ra khu vực phía Bắc và phía Đông của thành phố, đặc biệt là khu vực phía bên kia sông Hồng.
Thị trường Hà Nội đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài
Đưa ra phép so sánh giữa thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ông Võ Huỳnh Tấn Kiệt cho biết 2 thị trường này đang biểu hiện những điểm khác nhau qua từng năm.
Xét về nguồn cung, ở giai đoạn trước, thị trường căn hộ chung cư ở TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh hơn Hà Nội với số lượng căn hộ lớn ở các phân khúc. Tuy nhiên, đến năm 2019, thị trường căn hộ TP. Hồ Chí Minh ghi nhận sự sụt giảm lớn về nguồn cung.
Trong khi đó, nguồn cung ở Hà Nội vẫn đạt mức cao. Cụ thể, trong năm 2019, thị trường căn hộ chung cư ở Hà Nội ghi nhận 36.000 căn hộ mở bán đến từ 60 dự án mới. "Sự thay đổi ngược chiều của 2 khu vực gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài", đại diện CBRE Việt Nam nhận định.
Vị này cho hay năm trước, nhà đầu tư nước ngoài thường chọn TP. Hồ Chí Minh làm thị trường đầu tư, song đến đến năm 2019, nhóm nhà đầu tư này bắt đầu dịch chuyển ra thị trường Hà Nội.
Một điểm khác biệt giữa thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được CBRE Việt Nam dẫn ra là sự phát triển không giống nhau của các phân khúc. Theo đơn vị này, trong năm 2019, TP. Hồ Chí Minh phát triển phân khúc căn hộ hạng sang khá mạnh, trong khi đó ở Hà Nội chỉ có 1 dự án được mở bán.