Bất động sản nghỉ dưỡng Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ hội và thách thức
Ngoài việc đảm bảo các quyền lợi cho nhà đầu tư, để thúc đẩy thị trường bất động (BĐS) Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng cần quảng bá, phát triển ngành Du lịch, tăng cường các chính sách hỗ trợ và cải thiện hạ tầng tương xứng với lợi thế về vị trí đắc địa và du lịch biển đầy tiềm năng của khu vực.
Mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển
Nhận định về tiềm năng của Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho rằng, từ những ngày đầu thành lập, với vị trí chiến lược, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển, phát triển bền vững cả về công nghiệp và dịch vụ. Đến nay, Tỉnh đã phát triển đồng đều và bền vững, cơ cấu công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn.
Theo tổng hợp của Batdongsan.com.vn, Bà Rịa – Vũng Tàu có tốc độ phát triển kinh tế và giải ngân đầu tư công nổi bật so với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Vũng Tàu đạt 11,5%, cao hơn so với TP. Hồ Chí Minh (6,9%), Bình Phước (7,8%), Đồng Nai (7,7%), Bình Dương (7,1%)…
Trong khi đó, tính đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 50%, cao hơn bình quân cả nước (47%) và cao hơn Bình Dương (43%), Đồng Nai (38), TP. Hồ Chí Minh (20%)… Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới tại tỉnh lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 đạt 36,5 triệu USD.
Về lĩnh vực du lịch, trong 9 tháng năm 2024, Bà Rịa – Vũng Tàu đón 13,5 triệu lượt khách (tăng 59% so với thời kỳ trước đại dịch COVID - năm 2019), doanh thu đạt 14,1 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2019).
Do có sự phân hóa rõ ràng về vùng kinh tế và thị trường BĐS, Bà Rịa – Vũng Tàu được chia làm 3 khu vực chính gồm: Khu vực tập trung công nghiệp (Phú Mỹ, Bà Rịa, Châu Đức) với các loại hình BĐS nổi bật là khu công nghiệp, nhà riêng, đất nền...; Khu trung tâm dân cư và thương mại (Vũng Tàu, Bà Rịa) với các loại hình BĐS chính gồm nhà riêng, chung cư, đất nền…; Khu nghỉ dưỡng ven biển (Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc) nơi tập trung nhiều sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng (condotel, resort…).
Theo Batdongsan.com.vn, định hướng quy hoạch 2021-2030 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra nhiều mục tiêu mới để phát triển bền vững, bao gồm: GRDP (không tính dầu khí) đạt 8,1% - 8,6%; GRDP bình quân đầu người/năm đạt 497 triệu USD, tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% - 37% và tỷ trong kinh tế biển (không tính dầu khí) đạt 60%.
Cũng theo kế hoạch, các khu vực sẽ được định hướng theo thế mạnh riêng, bao gồm Vùng chức năng du lịch và đô thị biển; Vùng chức năng công nghiệp, cảng biển và Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái.
Cơ hội và thách thức
Đánh giá về phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Đinh Minh Tuấn cho rằng, chỉ cách TP. Hồ Chí Minh 96km, Bà Rịa – Vũng Tàu luôn là một trong những lựa chọn du lịch hàng đầu tại khu vực. Do đó, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tại đây, đặc biệt là TP. Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc luôn được quan tâm.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, quý III/2024, giá condotel tại một số dự án ở Vũng Tàu và Xuyên Mộc đều có xu hướng tăng nhẹ so với quý I/2024, dao động quanh mốc 60 triệu đồng/m2.
Top các dự án nghỉ dưỡng tăng trưởng cao nhất về mức độ quan tâm (quý III/2024 so với quý II/2024) bao gồm The Maris Vũng Tàu (tăng 40%), The Hamptons Hồ Tràm (tăng 27%) và Oceanami Luxury Homes and Resort (tăng 7%). Trong khi đó, các dự án có tốc độ tăng trưởng cao nhất về giá (quý III/2024 so với quý II/2024) là CSJ Tower (tăng 7%), Oceanami Luxury Homes and Resort (tăng 7%) và Alaric Tower (tăng 3%).
Tổng hợp của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, năm 2023, Vũng Tàu ghi nhận 14,1 triệu lượt khách du lịch, vượt trội hơn hẳn so với một số địa phương khác như Kiên Giang và Bình Thuận (đều đạt 8,5 triệu lượt), Đà Nẵng (7,4 triệu lượt), Khánh Hòa (7 triệu lượt) và Bình Định (5 triệu lượt).
Tuy Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu lợi thế khoảng cách và thu hút lượng lớn du khách nhưng các hoạt động giải trí và số lượng điểm tham quan vẫn còn khá hạn chế. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh trong năm 2023 đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với các tỉnh khác như Kiên Giang (17,4 nghìn tỷ đồng), Bình Thuận (23 nghìn tỷ đồng), TP. Đà Nẵng (28 nghìn tỷ đồng), Khánh Hòa (31,8 nghìn tỷ đồng) và Bình Định (16,4 nghìn tỷ đồng).
Trong những tỉnh trên, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Định chưa có khu vui chơi/công viên giải trí quy mô nổi bật. Ngoài ra, huyện Xuyên Mộc hiện tập trung một số dự án quy mô lớn với nhiều tiện ích vui chơi nhưng lại cách khá xa trung tâm, đặt ra một bài toán để đáp ứng kỳ vọng của du khách.
Đánh giá về vấn đề này, ông Đinh Minh Tuấn cho biết, mức độ quan tâm đến nghỉ dưỡng Bà Rịa – Vũng Tàu có hồi phục nhưng trong tương lai thị trường du lịch, nghỉ dưỡng địa phương này còn nhiều thách thức để đáp ứng kỳ vọng người tiêu dùng.
Theo ông Tuấn, các yếu tố nhà đầu tư coi trọng nhất khi lựa chọn BĐS nghỉ dưỡng là khả năng sinh lời từ cho thuê, tính minh bạch pháp lý, tiện ích đi kèm và chất liệu xây dựng thiết kế.
Bên cạnh đó, các yếu tố cần đẩy mạnh để thúc đẩy thị trường BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu là quảng bá, phát triển du lịch, tăng cường chính sách hỗ trợ và cải thiện hạ tầng.
“Khi các yếu tố trên được giải quyết, ngành BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và BĐS du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng sẽ phát triển, tương xứng với lợi thế về vị trí đắc địa và du lịch biển đầy tiềm năng”, ông Tuấn đánh giá.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng, khi sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) dự kiến hoạt động vào năm 2026 cũng được kỳ vọng sẽ giúp việc di chuyển đến Bà Rịa – Vũng Tàu thuận tiện hơn, tạo thêm điều kiện để tỉnh thu hút thêm du khách trong và ngoài nước.