Bất động sản nghỉ dưỡng đứng trước cơ hội phục hồi
Tại Tọa đàm “Nhận diện xu hướng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh mới" ngày 15/11, giới chuyên gia nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với nhu cầu du lịch. Vì vậy, khi dịch COVID-19 được khống chế, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ 100%, chiếc lò xo du lịch sẽ bung ra mở cơ hội tốt để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ.
Tỷ lệ hấp thụ tăng 30 - 40%
Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản, riêng năm 2020, cả thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chỉ tiêu thụ được 120 sản phẩm. Bước sang quý III/2021, tình hình đã cải thiện đáng kể, lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2.280 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 31,6%. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận có sản phẩm chào bán gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng... Sang quý IV/2021, thị trường được kỳ vọng phục hồi nhờ tình hình dịch được kiểm soát cơ bản.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhận định, nguyên nhân của tăng trưởng này bên cạnh việc thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch còn do mô hình phát triển dự án đã thay đổi. Theo ông Hà, không còn những dự án nhỏ lẻ ăn theo hạ tầng chung của thành phố, mà đã phát triển thành các dự án có đa mục tiêu như kết hợp nghỉ dưỡng, sức khỏe, kết hợp thêm vui chơi, văn hóa, mua sắm… với những dự án quy mô, tiêu chuẩn đạt đẳng cấp quốc tế thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn. Thứ nữa, mô hình phát triển bất động sản du lịch trên đất ở hấp dẫn nhà đầu tư vì có thể mua, sở hữu lâu dài và kinh doanh du lịch.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, khi du lịch phát triển thì bất động sản du lịch phát triển, khi du lịch gặp khó khăn thì cũng ảnh hưởng đến thị trường này. Trong bối cảnh dịch bệnh, đã nổi lên một xu hướng trước đây đã rõ nhưng giờ càng rõ hơn, đó là nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Khi dịch bùng phát, ai cũng quan tâm về vấn đề an toàn, sức khỏe, đây sẽ là xu hướng chủ đạo. Nếu dịch được kiểm soát thì đây sẽ là lúc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi nhanh nhất.
Dưới góc độ chủ đầu tư, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNGroup Vũ Văn Thành cho rằng, dịch bệnh đã làm thay đổi chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp để phù hợp với bối cảnh, nhu cầu của khách hàng. Trước đây, chúng ta thường hướng tới du lịch trải nghiệm, giải trí nhưng những năm gần đây đã chú trọng trải nghiệm văn hóa, sức khỏe. Xu hướng này cũng là một trong những điều kiện giúp bất động sản nghỉ dưỡng thu hút được nhiều nhà đầu tư, tăng lượng giao dịch trong bối cảnh dịch bệnh.
Quản lý để thúc đẩy không phải bóp nghẹt
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hà, thời gian qua phân khúc nghỉ dưỡng tăng trưởng khả quan với những xu hướng mới, nhưng muốn phát triển bền vững cần tiếp tục quan tâm đến 4 vấn đề.
Đầu tiên là quy hoạch, nhất là quy hoạch của địa phương, của quốc gia sao cho phù hợp và phát huy đúng lợi thế.
Thứ hai, phải có tầm nhìn chiến lược.
Thứ ba là năng lực, khả năng triển khai dự án cho chủ đầu tư, kinh nghiệm để triển khai nhanh cho dự án.
Cuối cùng, vẫn là cơ chế về pháp lý của dự án. Thực tế, đã có thời gian bất động sản nghỉ dưỡng phát triển nhanh, nhưng các chính sách vẫn chưa theo kịp. “Quản lý phải thúc đẩy thị trường chứ không phải để bóp nghẹt thị trường”, ông Hà nói.
Xác định tạo ra các sản phẩm du lịch, khu nghỉ dưỡng không chỉ để phục vụ cho khách nội địa mà còn phục vụ cho khách quốc tế, theo Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Du lịch Vân Đồn - Vũ Anh Hà, muốn phát triển nhanh phải tập đứng trên vai những người khổng lồ. Muốn có quy hoạch tốt, phân bổ hạ tầng tốt thì phải có sự giúp đỡ của các đơn vị nước ngoài, như vậy sẽ rút ngắn được thời gian, tránh được những bài học tổn thất bằng tiền.
“Thời gian tới, việc sớm đưa vào hộ chiếu vaccine sẽ là động lực đầu tiên hỗ trợ cho các đơn vị bất động sản nghỉ dưỡng. Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế pháp luật của mô hình bong bóng du lịch để tạo điểm du lịch an toàn cho du khách. Quan tâm, chú trọng hơn việc đẩy nhanh phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt tại các khu du lịch nghỉ dưỡng”, ông Hà đề xuất thêm.
Trước những đề xuất trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được quản lý theo hướng được mua bán các công trình xây dựng có sẵn, hoặc các công trình xây dựng trong tương lai.
Tuy nhiên, một số điều kiện cụ thể liên quan đến mẫu hợp đồng, điều kiện thủ tục để các sản phẩm được bán hình thành trong tương lai cũng chưa được quy đinh cụ thể. Bộ đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 76 hướng dẫn về Luật Kinh doanh bất động sản, thời gian tới sẽ trình Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật giai đoạn 2022 - 2023, trong đó có chương trình sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản.
“Tương lai, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp có những quy định cụ thể hơn đối với loại hình sản phẩm này”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hà Quang Hưng nhấn mạnh.