Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Vốn ngoại không ngại COVID
Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh là 1,43 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, có tới 9 dự án với 126 triệu USD đổ vào bất động sản.
Bất động sản “thỏi nam châm” hút vốn FDI
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thời gian qua, lĩnh vực bất động sản vẫn luôn duy trì là lĩnh vực có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cụ thể, số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - Xã hội 6 tháng năm 2021 của TP. Hồ Chí Minh cho thấy: Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 20/6/2021, TP. Hồ Chí Minh thu hút được 1,43 tỷ USD vốn FDI, số vốn này bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, có 262 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 264,4 triệu USD và tập trung chủ yếu ở 3 ngành là thương nghiệp, kinh doanh bất động sản và vận tải kho bãi (chiếm hơn 86,7% tổng vốn cấp mới).
Bất động sản vẫn nằm trong top các ngành nghề thu hút nhiều dòng vốn đầu tư với 9 dự án và dòng vốn đạt 126 triệu USD (chiếm 47,7%). Các nước như Singapore, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nhà đầu tư lớn nhất trong tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần.
Đơn cử như đầu năm 2021, Tập đoàn Keppel Land đến từ Singapore góp hơn 4.000 tỷ vào cùng Công ty CP Đại ốc Phú Long để thực hiện dự án chung cư tại huyện Nhà Bè TP. Hồ Chí Minh. Năm 2020 Keppel Land cũng đã chi ra hàng chục ngàn tỷ để thâu tóm hai quỹ đất tại quận 9 và quận 2 (nay là TP. Thủ Đức) TP. Hồ Chí Minh.
Hay như Tập đoàn An Gia thông báo tiếp tục được Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) rót vốn để doanh nghiệp này săn quỹ đất mới tại TP. Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương để làm dự án. Tập Đoàn Novaland cũng cho biết sẽ được doanh nghiệp tại Singapore rót vốn tiếp để phát triển...
Giới phân tích cho rằng 6 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên dòng vốn ngoại đổ bộ vào bất động sản TP. Hồ Chí Minh giảm đi, tuy nhiên thị trường này sẽ tăng chủ yếu ở việc bắt tay rót vốn vào doanh nghiệp trong nước ở những tháng cuối năm 2021, và đặc biệt là vốn ngoại sẽ đổ bộ vào các dự án trọng điểm đã được đăng ký rót vốn trước đó như Tập đoàn Lotte E&C đã rót vốn vào Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - SCR), hay như quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) rót vốn vào Tập đoàn An Gia…
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam cho rằng những tháng tiếp theo của năm 2021 sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng hợp tác mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp Việt và nhà đầu tư ngoại ở tất cả các phân khúc: Nhà ở, văn phòng, khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp...
Và… những cái bắt tay ngầm
Trao đổi với Phóng viên Nhadautu.vn mới đây, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, CEO của Tập đoàn Phúc Khang, một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP. Hồ Chí Minh chuyên phát triển các công trình bất động sản xanh cho biết doanh nghiệp bà đang nhận được nhiều lời mời rót vốn từ doanh nghiệp ngoại, chủ yếu đến từ Singapore.
Phía tập đoàn Vạn Phúc Group cho biết doanh nghiệp này từ năm 2020 tới nay đã tiếp khá nhiều đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc sang làm việc cùng với Tập đoàn Vạn Phúc với mong muốn được góp vốn phát triển dự án bất động sản mới mà Tập đoàn Vạn Phúc đang phát triển tại TP. Thủ Đức và huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Vì cả hai dự án rộng trên 100ha, với nhiều hạng mục thành phần nên cần doanh nghiệp ngoại góp vốn vào cùng thực hiện.
“Khi tôi hỏi vì sao họ lại chọn TP. Hồ Chí Minh để rót vốn đầu tư bất động sản, đại diện tập đoàn xây dựng và phát triển bất động sản đến từ Hàn Quốc phân tích với tôi: đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với các nhà đầu tư nước ngoài ở Indonesia hiện rất khó khăn, và tại Singapore thì thị trường quá bé, trong khi ở thị trường Malaysia đã phát triển tương đối ổn định. Trong khi đó, Việt Nam với gần 100 triệu dân, đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh với dân số trẻ, phát triển kinh tế ổn định và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhu cầu nhà ở với người trẻ còn rất lớn là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Trong đó, đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản đến từ Hàn Quốc rót vốn và Việt Nam đã thành công và họ cũng muốn thành công bằng việc rót vốn vào thị trường Việt Nam mà điển hình là TP. Hồ Chí Minh”, Đại diện Tập đoàn Vạn Phúc cho biết.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông Group cho biết doanh nghiệp ông đã làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản để sớm có cái bắt tay cùng phát triển dự án bất động sản trong năm tới. Cũng theo ông Phúc, doanh nghiệp Nhật Bản ngoài làm việc với ông thì còn muốn ông giới thiệu những quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh để phát triển dự án cao ốc văn phòng và cả khách sạn vì đây là những ngành mà họ yêu thích phát triển nhất tại TP. Hồ Chí Minh.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng cơ hội gọi vốn ngoại vào TP. Hồ Chí Minh cho thị trường bất động sản năm 2021 và 2022 nằm ở việc TP. Hồ Chí Minh vừa gộp 3 quận phía Đông gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành TP. Thủ Đức. Đây là cơ hội lớn cho thị trường bất động sản phát triển trong thời gian tới.
Ông Châu cho rằng việc doanh nghiệp ngoại nhiều năm nay chọn Việt Nam để rót vốn vì có sự ổn định về chính trị, các chỉ số kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, cũng như những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, giúp thị trường bất động sản giữ được sự ổn định cần thiết.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thu nhập người dân được nâng lên qua các năm, đặc biệt có lực lượng lao động trẻ cao, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng nhanh ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM và những khu vực tập trung các khu công nghiệp.
Ngoài ra, đánh giá về việc TP. Hồ Chí Minh đang là thỏi nam châm hút vốn ngoại đổ bộ vào bất động sản, ông Châu cho biết TP. Hồ Chí Minh đang như trái tim kinh tế của toàn miền Nam, tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam. Do đó nhu cầu nhà ở của người dân đang tăng cao, trong đó nhà ở cao cấp phát triển mạnh nhất trong các nằm qua là một phân khúc mà đa số doanh nghiệp ngoại hướng tới.
“Từ năm 2019 tới nay, người nước ngoài sang TP. Hồ Chí Minh làm việc có nhu cầu sở hữu nhà tại TP. Hồ Chí Minh rất lớn. Bên cạnh đó là xu hướng sang TP. Hồ Chí Minh sống hưởng tuổi già như người Nhật đang làm cũng tạo ra xu hướng hút dòng vốn ngoại vào bất động sản”, ông Châu nói.
Bên cạnh phân khúc bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp cũng đang được đáng giá là kênh hút vốn ngoại vào TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới khi mà TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh việc phát triển thêm các khu công nghiệp mới như khu công nghiệp hơn 400ha tại huyện Bình Chánh và khu công nghiệp Củ Chi.