Vì sao thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng gần 40%?
Trong bối cảnh đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, thì việc thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng gần 40% là con số gây sự ngạc nhiên.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới của vi-rút, lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, thì việc thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng gần 40% là con số gây sự ngạc nhiên.
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm sẽ không khó để giải thích hiện tượng này. Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 317,66 tỷ USD, tăng 32,5% (tương ứng tăng gần 78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 158,34 tỷ USD, tăng 29%, tương ứng tăng 35,57 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 159,33 tỷ USD, tăng 36,3% (tương ứng tăng 42,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 8,9 tỷ USD, tăng nhẹ 2% (tương ứng tăng 171 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 6/2021. Tính trong 6 tháng/2021, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 103,32 tỷ USD, tăng 39,7% (tương ứng tăng 29,35 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 64,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Như vậy, có thể nói, hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp 6 tháng đầu năm bất chấp đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã mang đến con số thu cân đối từ hoạt động này tăng mạnh.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, về phần thu nội địa, cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả thu NSNN 6 tháng được đánh giá là tích cực. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ này, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo.
Về chi NSNN, 6 tháng đầu năm ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao; giải ngân vốn 6 tháng đầu năm mới đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 33,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do các bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán.
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư (thu lớn hơn chi); trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.