Bất động sản và tín dụng: Lửa đã gần rơm, mới... bén!
(Tài chính) Trong lúc nền kinh tế vẫn còn khó khăn thì tín dụng lãi suất thấp là cơ hội duy nhất để đa số người mua tính toán cho căn nhà của mình. Nhưng lãi suất thấp cũng không phải là tất cả.
Không thể phủ nhận sự “tích cực” từ những cơ quan soạn thảo, ban hành chính sách nhằm phục hồi thị trường bất động sản. Nhiều bất cập đã được giải quyết và những nút thắt đang dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, để thị trường phục hồi thì điều cơ bản là phải làm thế nào để cả chủ đầu tư và người mua có thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Trong lúc nền kinh tế vẫn còn khó khăn thì tín dụng lãi suất thấp là cơ hội duy nhất để đa số người mua tính toán cho căn nhà của mình.
Trong các chính sách mới ban hành, Nghị định 188 được nhiều doanh nghiệp chờ đợi vì đây là cửa ra duy nhất cho cho nhà ở xã hội mà các doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tham gia. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Thông tư hướng dẫn Nghị định 188 sẽ ban hành ngay sau Tết Giáp Ngọ, theo đó doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội được tính tỷ lệ lợi nhuận tăng lên 15%, thay vì 10% như trước đây.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo dự thảo thông tư cho phép người dân được thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai để vay mua nhà ở xã hội. Người mua không phải xác nhận thu nhập mà chỉ cần xác nhận hiện trạng nhà ở theo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: “Năm 2014 sẽ là năm có nhiều điểm sáng, nhưng chúng ta không kỳ vọng quá lớn kể cả vĩ mô và vi mô. Riêng lĩnh vực tài chính liên quan đến bất động sản đã có những kiến nghị sát thực, cụ thể để tìm lối thoát cho thị trường này. Đơn cử như việc đề nghị khoanh nợ cũ với các doanh nghiệp có dự án tốt để tiếp tục được vay vốn mới triển khai dự án”.
Trong nhiều diễn đàn, lãnh đạo các ngân hàng BIDV, VietinBank, OCB… cũng tuyên bố rất sẵn sàng với các khoản vay mua nhà. Hơn nữa, BIDV còn kiến nghị Chính phủ cho phép các NHTM được khoanh nợ cũ đối với các doanh nghiệp có dự án tốt tiếp tục vay vốn hoàn thiện dự án, giải quyết hàng tồn.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, nếu các giải pháp được đồng bộ thực hiện thì TP. Hồ Chí Minh chắc chắn giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn. Việc chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội của Thành phố cũng thuận lợi hơn nhiều. Người mua có cơ hội nhận nhà ở ngay, còn doanh nghiệp cũng không phải mất thêm chi phí bảo trì và lãi vay.
Tuy nhiên, đại đa số doanh nghiệp không mấy hy vọng là những cơ chế trên sẽ đến cùng một lúc. Ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn - Gia Định nêu quan điểm: “Thực ra, nếu chính sách được triển khai cùng một lúc thì quá tốt, nhưng không dễ. Vì vậy, cần ưu tiên cho các giải pháp hỗ trợ người mua. Khi người mua được mua dễ, lãi suất thấp thì tính thanh khoản của thị trường tăng lên. Đầu ra cho sản phẩm có thì doanh nghiệp cũng dễ xoay xở hơn”. Đây cũng là quan điểm của hàng loạt chủ đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh khi họ cho rằng, để vay được tiền của ngân hàng là không dễ với các doanh nghiệp địa ốc hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành thẳng thắn chia sẻ, tín dụng và bất động sảngiống như lửa và rơm, gần nhau lâu ngày nhưng có “bén” được hay không thì còn phải chờ. Bằng chứng là thị trường đã chờ gần 1 năm sau Nghị quyết 02, cũng gần 9 tháng chờ giải cứu từ gói 30.000 tỷ đồng. Lúc nào cũng nói là “đã thông”, mà thông mãi vẫn tắc. Cho nên, với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, phải chờ cho lửa và rơm “bén” thì mới tính toán cho đầu ra sản phẩm. Đi trước đón đầu dễ rơi vào tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành chuyên đầu tư nhà ở giá thấp, cho biết, Công ty vẫn có đất sạch nhưng phải chờ cơ chế, chính sách rõ ràng mới tham gia xây nhà ở xã hội. Nếu những nội dung trong Nghị định 188 được hướng dẫn cụ thể, thêm vào đó là những thông tin từ phía Bộ Xây dựng và ngân hàng được thực hiện thì doanh nghiệp mới có cơ sở để tính toán.
Trên thực tế, nhiều dự án nhà ở xã hội được đầu tư bởi đơn vị có uy tín, là doanh nghiệp nhà nước cũng không dễ chạm tay đến gói 30.000 tỷ đồng, dự án nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai) của Tổng công ty IDICO là một ví dụ. Có đất sạch, tài chính lành mạnh, giá bình quân 4,2 triệu đồng/m2, căn hộ từ 36 - 45 m2. Trước khi xây dựng, IDICO cũng đã khảo sát kỹ thu nhập và nhu cầu của công nhân trên địa bàn nhưng vẫn chưa vay được tiền từ gói hỗ trợ.
Tương tự, Công ty Sơn An đầu tư xây nhà ở xã hội nhưng tiêu chuẩn như nhà thương mại cao cấp với thang máy tốc độ cao, tầng hầm, công viên, nhà trẻ… Dự án đến nay đã cạn vốn không thể tiếp tục triển khai và “chỉ cần cơ chế cho người mua thì bán hàng không khó vì giá chênh lệch so với nhà ở thương mại cùng vị trí khoảng 2 triệu đồng/m2”, ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Công ty Sơn An cho biết.
Với thực tế hiện tại, xem ra, để lửa tín dụng “làm cháy” được mồi rơm bất động sảnthì phải được thổi cho hồng, cho to, chứ không thể hắt hiu vài ngọn như hiện nay!