Bất động sản Việt vẫn là "miếng bánh ngọt" hấp dẫn nhà đầu tư

Theo Phạm Minh/vnbusiness.vn

Theo chuyên gia, Việt Nam có chính trị ổn định, nhiều tiềm năng phát triển bất động sản (BĐS), nhất là BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt giá còn rẻ so với các nước trong khu vực. Đây chính là những lý do khiến thị trường BĐS Việt Nam luôn thu hút giới đầu tư trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mặc dù Việt Nam đang trải qua một năm tồi tệ do đại dịch bùng phát, nhưng số liệu công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đạt 19,12 tỷ USD, trong đó lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ 3 đạt gần 1,6 tỷ USD.

Nhiều thương vụ M&A lớn

Mặc dù 8 tháng đầu năm, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam bùng phát dịch bệnh, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rót vốn vào BĐS, bằng chứng là 1,6 tỷ USD dành cho lĩnh vực này. Đa phần là các doanh nghiệp trong khu vực châu Á “ưa thích” BĐS Việt Nam.

Có thể kể đến các dự án đến từ nhóm doanh nghiệp Trung Quốc, Singapore vào Quảng Ninh, Bắc Giang. Liên doanh SEA Logistics Partners (SLP) và GLP - đơn vị quản lý vận hành kho bãi lớn nhất Trung Quốc đã mua được 5 dự án đất công nghiệp tại Việt Nam. Tập đoàn Boustead Projects (Singapore) đã mua lại 49% cổ phần của Công ty cổ phần phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh với giá khoảng 7 triệu USD.

ESR Cayman Limited, nền tảng BĐS hậu cần lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương và CTCP Phát triển công nghiệp BW (BW), nhà phát triển và vận hành BĐS công nghiệp và hậu cần hàng đầu tại Việt Nam, đã liên doanh để phát triển 240.000 m2 diện tích BĐS công nghiệp tại khu công nghiệp Mỹ Phước 4 gần TP. Hồ Chí Minh.

Theo một số chuyên gia, năm nay các hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) dự án từ nhà đầu tư nước ngoài không nhiều như số thương vụ M&A giữa doanh nghiệp BĐS trong nước. Nhưng xét về giá trị giao dịch thì các thương vụ M&A có giá trị dẫn đầu vẫn nằm ở các thương vụ thâu tóm thực hiện bởi các nhà đầu tư quốc tế.

Đơn cử như CTCP và Phát triển BĐS Phát Đạt mua lại 99,5% cổ phần CTCP BĐS Đầu tư và Phát triển Cao ốc Bình Dương để sở hữu dự án Bình Dương Tower.

Hay CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ tại 2 công ty con là Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh BĐS Kim Phát nhằm thực hiện tham vọng mở rộng quỹ đất ở TP. Thủ Đức.

Mới đây, Sunshine Group cũng mua lại giai đoạn 2 dự án Cocobay Đà Nẵng từ Empire Group với tham vọng xây dựng một tổ hợp nghỉ dưỡng phức hợp tiêu chuẩn 6 sao có tên gọi Sunshine Heritage Đà Nẵng.

Cơ hội từ nhu cầu

Theo đánh giá từ Bộ Xây dựng, có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực BĐS. Đó là Việt Nam có sự ổn định về chính trị, tăng trưởng kinh tế và cũng là quốc gia thời gian qua đã rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, sau đại dịch COVID-19, dòng tiền FDI vào thị trường BĐS Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa bởi doanh nghiệp nước ngoài luôn tin tưởng vào thị trường BĐS Việt Nam. Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác về thu hút FDI trong khu vực.

Đánh giá về lý do các nhà đầu tư nước ngoài “ưa thích” BĐS Việt Nam, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc của Savills Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư ngoại đang nhìn thấy cơ hội rất lớn ở phân khúc BĐS cao cấp tại Việt Nam. Bằng chứng, room 30% mua căn hộ chung cư cao cấp ở nhiều dự án cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội luôn trong đạt mức tối đa. Các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông cũng tăng tốc đầu tư cổ phần tại nhiều dự án lớn.

"Giá BĐS tại Việt Nam vẫn còn rẻ hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực cũng là một lực hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường nhà ở cao cấp tại Việt Nam sẽ phải trải qua một chặng đường rất dài mới có thể có mức giá cao như Hồng Kông và Singapore, cho nên tiềm năng cho phân khúc BĐS cao cấp còn rất lớn", ông Neil MacGregor nói.

Liên quan đến vấn đề M&A trong thời gian gần đây, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, người Việt Nam thường có thói quen sở hữu BĐS làm "của để dành", nên giá BĐS luôn tăng. "BĐS ở Việt Nam từ nhiều năm nay chưa bao giờ ngừng tăng giá trị. Hàng năm giá nhà, đất đều tăng từ 5-10%, tùy thuộc tính sinh lợi thường xuyên của BĐS", ông Đính đánh giá.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng Giám đốc CTCP bất động sản BHS đánh giá, đây là thời điểm cho các doanh nghiệp BĐS lớn, có tiềm lực thực hiện chiến lược M&A để thu gom quỹ đất, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Cuộc đua này tốt cho cả thị trường và các dự án đang gặp khó có thể sẽ được hồi sinh sau khi được M&A.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi dịch bệnh kết thúc, BĐS Việt Nam sẽ là một trong những thị trường bật dậy mạnh mẽ nhất bởi hội tụ được cả nội lực từ nhu cầu nhà ở trong nước lẫn ngoại lực là nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, giá BĐS chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sau một thời gian bị kìm hãm bởi dịch bệnh. Đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư mua BĐS khi thị trường "sợ hãi" và hưởng món hời lớn khi thị trường tốt lên.