Giải mã triển vọng đầu tư bất động sản năm 2022

Theo Tuệ An/reatimes.vn

Thị trường bất động sản (BĐS) được dự báo sẽ phục hồi vào quý II/2022 khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Trong đó, BĐS công nghiệp, văn phòng và nhà ở sẽ là 3 phân khúc hút vốn nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khả năng phục hồi khả quan sau dịch bệnh

Savills vừa công bố kết quả từ cuộc khảo sát chuyên sâu về dự báo triển vọng năm 2022 cho hoạt động đầu tư, cho thuê thương mại và tầm ảnh hưởng của các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp tại 36 thành phố lớn trên thế giới trong năm 2022. 

Kết quả cho thấy khả năng phục hồi khả quan của ngành bất động sản trong thời kỳ chịu nhiều thay đổi dưới tác động của dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động đầu tư được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn trên phạm vi toàn cầu, khi các hạn chế di chuyển giảm dần ở các quốc gia. 

Nghiên cứu kỳ vọng 47% tổng vốn đầu tư sẽ đến từ các nhà đầu tư quốc tế và khoảng gần 50% đến từ các nước láng giềng vào năm 2022. 

Bên cạnh hoạt động đầu tư sôi động trở lại sau dịch bệnh, 75% người tham gia khảo sát cũng cho rằng phát triển bền vững là yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư. 

Thực tế, có thể yếu tố này chưa xuất hiện rõ rệt tại thị trường lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Hong Kong, Tokyo, Jakarta và Seoul ở thời điểm hiện tại. Song, việc này sẽ sớm thay đổi khi thế giới đang dần chú ý hơn đến tầm ảnh hưởng của các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.

Cụ thể, khi xét về hoạt động đầu tư phát triển bền vững của một doanh nghiệp, có đến 54% người tham gia cho rằng danh tiếng của doanh nghiệp sẽ là động lực rất lớn, trong khi 46% còn lại cho rằng cơ hội tăng trưởng lợi nhuận cũng có thể coi là một động lực quan trọng khác. Đặc biệt, tỷ suất lợi suất sinh lời cao trong đầu tư bất động sản sẽ không xuất hiện cho đến thời điểm quý II/2022.

Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tồn tại một số ngoại lệ. Cụ thể, lĩnh vực bất động sản công nghiệp và nhà ở sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Lợi suất từ các lĩnh vực này được kỳ vọng theo xu hướng chuyển dịch tích cực, thay vì chỉ đứng yên.

Lĩnh vực văn phòng dẫn đầu thị trường

Bất động sản văn phòng đang được coi là một điểm sáng của thị trường bất động sản và hiện vẫn ghi nhận sự gia tăng về nhu cầu. Tại hơn một nửa các thành phố tiến hành khảo sát, phân khúc văn phòng được dự kiến là nhóm tài sản thống trị thị trường và đáng để đầu tư trong năm 2022. Tại Thâm Quyến, Bắc Kinh, Quảng Châu và Seoul, bất động sản văn phòng dự kiến sẽ chiếm 60% tổng vốn đầu tư.

Tới năm 2022, các thị trường mới nổi bao gồm Việt Nam sẽ có hoạt động cho thuê phát triển mạnh nhất nhờ tăng trưởng của kinh tế cộng với sức mạnh từ các ngành công nghiệp và xu hướng làm việc linh hoạt. Hoạt động cho thuê thương mại năm 2022 được kỳ vọng sẽ trở lại ngang bằng với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức độ phục hồi sẽ tuỳ thuộc vào từng thị trường. 

Các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam cho thấy nhiều triển vọng trong các hoạt động cho thuê, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự chuyển đổi mô hình làm việc linh hoạt chậm hơn so với các khu vực khác. 

Tại Việt Nam, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết: "Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành công nghệ thông tin vẫn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ với nhu cầu tuyển dụng nhân sự lớn. Thị trường Việt Nam với tiềm năng phát triển các dự án công nghệ, đang ngày càng thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia. 

Thêm vào đó, nhiều công ty công nghệ thông tin trong nước hiện này cũng đang thực hiện kế hoạch mở rộng nhân sự số lượng lớn nhằm phục vụ việc phát triển doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ICT của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt 100.000 trong năm 2025, gần gấp đôi số lượng của năm 2020... Những yếu tố này sẽ tạo nguồn cầu lớn trong lĩnh vực văn phòng trong thời gian tới".

Bất động sản công nghiệp là điểm sáng

Trong báo cáo mới nhất, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, bất động sản công nghiệp tiếp tục sôi động và là phân khúc sáng nhất so với các loại tài sản khác trên thị trường địa ốc trong bối cảnh đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ hậu cần, logistics cũng hứa hẹn tiềm năng lớn.

Theo vị này, sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước. Các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch hoặc xây dựng trên khắp các tỉnh thành Bắc, Trung, Nam để đáp ứng nhu cầu này dẫn đến thị trường bất động sản công nghiệp bùng nổ trong thời gian qua bất chấp dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ông David Jackson, nửa cuối năm nay sẽ đặt ra một số thách thức cho Việt Nam khi dịch bệnh lây lan nhanh, xâm nhập vào các khu công nghiệp gây bùng phát lớn trên cả nước.

Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng CEO Colliers Việt Nam cho rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn một số điểm nghẽn.

Đơn cử như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và chi phí logistics chưa cạnh tranh, một số vấn đề về cơ chế và quy định pháp luật để thu hút các nhà đầu tư lớn. Nếu cải thiện được các điểm yếu này, thị trường có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.

Thị trường nhà ở vẫn sôi động nhất

Dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường bất động sản Việt Nam. Giới phân tích cho rằng, trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu.

Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.

Bên cạnh đó là giao dịch từ các nhà đầu tư dài hạn, dù giá bất động sản trên thị trường có sụt giảm như giai đoạn 2009 - 2010, có những khu vực bị rớt giá từ 20 - 30% trong giai đoạn khó khăn, thì phân khúc căn hộ để ở vẫn là tâm điểm nóng nhất, sở hữu sự săn đón của nhiều nhà đầu tư.

 

Giải mã triển vọng đầu tư bất động sản năm 2022 - Ảnh 1
Giải mã triển vọng đầu tư bất động sản năm 2022 - Ảnh 2

 

Nền tảng cho thị trường nhà ở sôi động, đầu tiên phải kể đến cơ cấu dân số Việt Nam, là nguồn cầu chính và bền vững của thị trường nhà ở. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay 2,6%, đến năm 2030 69% dân số Việt Nam sẽ sinh sống tại khu vực đô thị, khiến nhu cầu nhà ở sẽ gia tăng. Mặt khác, việc quy mô hộ gia đình ngày càng giảm cũng đem đến cho thị trường nhà ở nguồn cầu mới từ các gia đình nhỏ tách hộ (bao gồm các hộ gia đình 1 người).

Nhận định đưa ra trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022 do VNDirect mới công bố cũng khẳng định, bất động sản nhà ở nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới trước hết nhờ sự phục hồi trên diện rộng của thị trường.

“Chúng tôi nhận thấy lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng nội địa tương đối ổn định ở mức 9,2 - 9,5% trong 6 tháng đầu năm, vẫn là mức thấp nhất trong 10 năm. Lãi suất vay sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2021. Điều này sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản, đặc biệt là ở thế hệ trẻ Millennial”, báo cáo của VNDirect chỉ ra.

Ngoài tín hiệu tích cực của thị trường, lãi suất thấp, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng cũng sẽ là động lực cho bất động sản trong giai đoạn 2021 - 2022. Một số dự án hạ tầng đáng chú ý được hoàn thành trong 2020 gồm đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với tổng mức đầu tư 6.300 tỷ đồng; đường vành đai 3 Hà Nội...

Chia sẻ tại một diễn đàn mới đây, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã nhấn mạnh: “Nếu dịch bệnh được kiểm soát, một số phân khúc bất động sản sẽ duy trì phát triển nhanh, điển hình đó là nhà ở. Tuy nhiên, đa phần sản phẩm tung ra thị trường là sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm mở bán tiếp ở giai đoạn mới, còn trong điều kiện hiện nay, mở bán dự án mới là không có. Thị trường nhà ở giá rẻ vẫn sẽ phải trông đợi vào các chính sách của Nhà nước”.